Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Sổ tay Như Ngọc
   2009-08-07 17:22:32    cri

Ngày 1 tháng 8

Thăm  Phòng Thành Cảng

Chia tay dòng sông Quy Xuân với thác Đức Thiên hùng vĩ, đoàn phóng viên Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc lại tiếp tục đi về khu vực biên giới ven biển Quảng Tây, thành phố Phòng Thành Cảng.

Thành phố Phòng Thành Cảng nằm bên bờ Vịnh Bắc Bộ phong cảnh tươi đẹp, biển cả bao la, là một thành phố biên giới có cảng ven biển hiện đại tràn đầy sức sống. Cảng Phòng Thành được xây dựng vào tháng 3 năm 1969 sau khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai phê duyệt, lúc đầu chủ yếu sử dụng vào việc vận chuyển hàng hóa viện trợ của Trung Quốc giúp đỡ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được mệnh danh là khởi điểm của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Từ đó, hàng hóa viện trợ của Trung Quốc đã tập kết và lên tàu từ đây để chuyển sang Việt Nam. Tháng 5 năm 1993, thành lập thành phố cấp địa khu Phòng Thành Cảng gồm quận Cảng, quận Phòng Thành, huyện Thượng Tư và thành phố Đông Hưng.

Tiếp đoàn nhà báo tại trụ sở Thành ủy Phòng Thành Cảng, Bí thư Thành ủy Tuyên Bái Quân giới thiệu, Phòng Thành Cảng có đường biên giới dài hơn 230 ki-lô-mét có 5 cửa khẩu quốc gia, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nam Trung Quốc, là cầu nối để Trung Quốc tăng cường trao đổi thương mại với các nước ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam. Hiện nay, quan hệ giữa Phòng Thành Cảng và các địa phương Việt Nam hết sức gắn bó, đoàn đại biểu Quảng Tây, trong đó có Cảng Phòng Thành đã đến Đà Nẵng, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam để tìm hiểu khảo sát và tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và phát triển cảng biển. Hai bên Phòng Thành Cảng và Đông Hưng Việt Nam đã tổ chức hoạt động liên hoan nhân dân biên giới lần thứ nhất vào tháng 6 vừa qua, sang năm sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động này tại Móng Cái, Quảng Ninh Việt Nam. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư của Việt Nam đã và đang đầu tư vào Đông Hưng. Phòng Thành Cảng là một thành phố có 21 dân tộc gồm Hán, Choang, Dao, Kinh chung sống hài hòa. Dân tộc Kinh là dân tộc thiểu số duy nhất sống dựa vào nghề cá ven biển của Trung Quốc, cũng là dân tộc thiểu số có số dân ít nhất của Trung Quốc hiện nay. Người dân tộc Kinh nói bằng tiếng Kinh cơ bản giống như tiếng Việt Nam, khu vực người Kinh sinh sống là khu vực đảo rất gần với Việt Nam, đứng bên này có thể nhìn thấy bên kia Việt Nam. Trên thực tế, dân tộc Kinh đã từ Đồ Sơn và các nơi khác của Việt Nam di cư đến từ đầu thế kỷ 16, người Kinh đầu tiên di cư đến Trung Quốc cách đây gần 500 năm. Lúc đó, ba đảo dân tộc Kinh còn là đảo hoang vắng, không có người ở, người Kinh, người Hán và người Choang cùng chung sống hài hòa, cùng phát triển và xây dựng nên ba hòn đảo giàu đẹp là Vu Đầu, Vạn Vĩ và Sơn Tâm. Đoàn chúng tôi đến Đông Hưng đúng vào ngày Hội Hát của dân tộc Kinh, thế là cả đoàn tới thăm Hội Hát trên đảo Vạn Vĩ. Đường vào đảo Vạn Vĩ rất khang trang với hai làn xe, hai bên đường là những đầm sen đang mùa hoa nở, nhà cửa xây dựng theo kiến trúc giống như Việt Nam. Trên đảo ngập tràn không khí ngày hội, cờ màu, cờ đuôi nheo, cờ phướn phấp phới tung bay, tiếng đàn, tiếng hát rộn ràng, hội hát năm nay còn đón đoàn thể dân gian hơn 200 người từ Móng Cái sang dự. Trao đổi với bà con trên đảo bằng tiếng Việt Nam, đặc biệt là khi tham dự lễ tế ở đình, nghe tiếng trống hội rộn ràng, tôi cảm thấy như đang ở quê hương Việt Nam của mình vậy. Cụ Cung Chấn Hưng là người dân tộc Kinh trên đảo còn giới thiệu với tôi, cụ đã tham gia quân đội Trung Quốc, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đến nay mỗi khi nhắc lại những ngày tháng hào hùng tham gia quân đội Việt Nam cụ vẫn thấy xúc động và tự hào. Cụ cho biết, dân tộc Kinh sống trên đảo rất chăm chỉ, cần cù, đoàn kết, sống hài hòa với các dân tộc khác, rất thích hát hội, thích đàn bầu, thích múa sạp, đây là ba viên ngọc châu gắn liền với văn hóa dân tộc Kinh. Hội hát diễn ra ba ngày ba đêm, vừa hát vừa uống rượu, ăn cỗ theo kiểu ngồi chiếu ăn mâm, không khí hết sức náo nhiệt. Lễ hội hát có lịch sử 500 năm đã được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đợt đầu của Trung Quốc.

Thành phố Phòng Thành Cảng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, bề dầy văn hóa dồi dào, lợi thế vị trí khu vực nổi bật, có tiềm năng phát triển to lớn, nhất là sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố quy hoạch phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây, Phòng Thành Cảng đang đứng trước một cơ hội phát triển quan trọng chưa từng có. Tôi thầm cầu chúc cho Phòng Thành Cảng ngày càng phát triển, quan hệ hữu nghị giữa Phòng Thành Cảng với các địa phương Việt Nam ngày càng gắn bó, để văn hóa dân tộc Kinh ngày càng được kế thừa và tôn vinh, góp phần xây dựng Phòng Thành Cảng xứng đáng với tên gọi "cửa ngõ Tây Nam, ngọc châu biên giới".

Ngày 2 tháng 8


1 2 3 4 5 6 7 8