Nghe Online
Một nghi lễ thờ cúng đang diễn ra tại bản dân tộc Di, ông Chu-bi-a-u gần 60 tuổi trong hàng ngũ Tất ma – các thầy cúng của đồng bào Di khoắc khăn chiên màu đen, đội mũ đen đang hướng dẫn một số cụ già tổ chức nghi lễ theo đúng nhịp điệu, họ tay cầm quạt, miệng tụng kinh, trông rất huyền bí.
Đây là một nghi lễ cầu mong thanh bình hạnh phúc, nơi thờ cúng đặt ở ngoài làng, trông giống một bàn cờ, trên có cắm các loại hình con người và động vật đan lát bằng cỏ và lá cây. Việc bố trí nơi thờ cúng và thực hiện nghi lễ thờ cúng do mấy chục Tất-ma hoàn thành. Là chức sắc của đồng bào Di, các thầy Tất-ma đảm nhiệm công việc dàn xếp quan hệ giữa người và thần bằng hình thức tụng kinh và nghi thức đặc biệt, Tập tục thờ cúng của thầy Tất-ma đã có hơn 2000 năm lịch sử cùng với lịch sử của dân tộc Di.
Ông Chu-bi-a-u được mọi người tôn sùng là thầy Tất-ma bậc nhất không phải vì ông cao tuổi, mà là do ông có thể chủ trì nghi lễ thờ cúng quy mô lớn. Dòng tộc của ông cũng là dòng tộc Tất-ma trong biết bao đời này nổi tiếng gần xa.
Ông Chu-bi-a-u sống ở huyện Mê-cô tỉnh Tứ Xuyên miền tây nam Trung Quốc, 98% người dân ở đây đều là dân tộc Di. Văn hoá Tất-ma của huyện Mê-cô rất phát triển, hiện có hơn 8000 thầy Tất-ma, nhưng chỉ có khoảng 200 thầy Tất-ma đạt trình độ tương đương với ông Chu-bi-a-u. Với trí nhớ phi thường, ông Chu-bi-a-u từ nhỏ đã được gọi là "thần đồng".
Ông nói, sự kế thừa của dòng tộc Tất-ma đồng bào Di đều là cha truyền con nối, chỉ truyền cho con trai, không truyền cho con gái. Ngay từ khi ông biết nói, bố ông đã dạy ông đọc thuộc lòng các loại kinh văn cơ bản thuộc nền văn hoá Tất-ma; từ khi tập viết, bố ông đã cho ông chính thức theo thầy học kinh văn Tất-ma một cách hệ thống. Trong thời gian học, ông còn phải theo thầy đi tổ chức nghi lễ thờ cúng để học qua thực tiễn.
Khi lên 15 tuổi, ông Chu-bi-a-u đã được bà con mời đến nhà tổ chức lễ thờ cúng, khi hơn 20 tuổi, đã được tôn là thầy Tất-ma dạy cho con em của gia tộc cùng dòng họ. Ông Chu-bi-a-u nói, hiện nay, mỗi năm ông đều tổ chức hàng loạt lễ thờ cúng lớn nhỏ.
"Nói chung, mỗi năm mỗi gia đình đều sẽ mời thầy Tất-ma tổ chức 3 nghi lễ thờ cúng. Bước sang mùa xuân, vạn vật hồi sinh, đồng bào Di sẽ tổ chức một lễ thờ cúng để loại bỏ những lời phù phiếm của người ta; Cứ đến tháng 7, tháng 8 trong mùa hè, bà con dân tộc Di cho rằng, kẻ thù của mình sẽ chửi rủa mình, cho nên cần phải mời thầy Tất-ma làm phép để chống lại những lời chửi rủa và cầu mong bình yên; Mùa thu, đồng bào Di cho rằng linh hồn của con người sẽ rời khỏi cơ thể, cho nên phải làm phép chiêu hồn."
1 2
|