Tôi cũng làm quen được với một số anh chị em công nhân. Họ đến đây làm công việc dịch vụ, xây dựng công trình mới, hoàn thiện công trình cũ. Tình cảm của họ đối với học sinh VN chúng tôi được thể hiện qua những cái bắt tay xiết chặt, những lời chào hỏi niềm nở, ân cần, những ánh mắt và nụ cười thân thiện. Thật khó quên những hình ảnh những anh chị em đầu bếp ngày ngày lùi hụi chế biến , nấu nướng vất vả, vật lộn với những chiếc xong chảo, thùng to tướng để sáng ra mỗi người chúng tôi đã có thứ điểm tâm: một ca sữa đậu nành đặc, cặp quẩy béo ngậy, hay một cái bánh bao còn nóng hổi. Rồi trưa, chiều hai bữa cơm với gạo trắng tinh với những thức ăn luôn thay đổi món. Ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày tết lại có những bữa ăn trưa, những bữa chiêu đãi liên hoan thịnh soạn.
Học sinh và cán bộ, công nhân viên VN ở khu học xá đông đến hàng ngàn người, nhu cầu về mọi mặt rất lớn. Chính phủ TQ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đảng ủy và ban giám đốc tổ chức tốt những hoạt động học tập, vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khỏe. Trong khu có thư viện, hội trường, câu lạc bộ, sân bóng, đài truyền thanh, bệnh xá. Những đêm biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, những cuộc tham quan thực tế, những cuộc đấu bóng giao hữu, những trò chơi tập thể vui nhộn đã làm cho không khí luôn sôi động, khiến ai nấy đều vợi đi nỗi nhớ nhà.
Ngày 26, tháng 3 năm 1954, một phái đoàn của Trung ương Đảng và chính phủ TQ đã đến thăm khu học xá để tìm hiểu tại chỗ mọi mặt sinh hoạt của các bộ, học sinh VN tại đây. Phái đoàn đã tặng cho học sinh VN mỗi người một món quà chín thứ. Chiếc bút Kim tinh, mà phái đoàn tặng tôi còn giữ đến nhiều năm sau.
Quá nửa năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lớp học chúng đang bước sang học kỳ 2 thì có quyết định bên nước nhà, điều động chúng tôi về nhận nhiệm vụ công tác, vì lúc ấy chuyên gia TQ sang giúp ta nhiều, mà người biết tiếng TQ lại ít. Thế là nhà trường phải điều chỉnh lại chương trình giảng dạy, rút ngắn thời gian còn lại, sớm cho học sinh thi tốt nghiệp để kết thúc khóa học. Và cuối tháng 5, chúng tôi lên tàu về nước với một hành trang tạm đủ về vốn tiếng TQ.
Từ giã khu học xá, chúng tôi vừa vui vừa bùi ngùi, lưu luyến. Vui vì sắp được về nước gặp lại quê hương, gia đình, bạn bè. Bùi ngùi, lưu luyến vì phải xa trường không biết bao giờ mới được trở lại, xa nơi mình được sống ấm áp trong mối tình hữu nghị hiếm có.
Đáng lẽ bài hổi ký này của tôi còn kéo dài nưã, nhưng vì khuôn khổ tập san không cho phép nên đành dừng bút. Tuy vậy, tôi vẫn xin nói thêm: nhờ có những ngày được học tập ở Nam Ninh trong hai năm 1954-1955 mà sau này tôi mới có dịp đi tham quan cải tạo xã hội chủ nghĩa hơn hai tháng năm 1958 với một đoàn đại biểu của bộ nội thường ta tại các tỉnh dọc đường xe lửa TQ suốt từ Nam chí Bắc.
Lại thêm một lần nữa, tôi được đắm mình trong mối tình hữu nghị thắm thiết, dạt dào cuả cácn bộ và nhân dân TQ ở tất cả những nơi mà chúng tôi đặt chân đến. Gương mặt của nhiều bạn đáng mến, vẫn con đọng lại trong tôi mãi đến giờ. Nhân đây, tôi xin gửi đến các bạn niềm nhớ thương và biết là vô vọng, nhưng vẫn mong được gặp lại. Đồng thời tôi cũng muốn nhắc lại với các bạn điều mà từ hồi ấy, cả tôi và các bạn đều thốt lên tự đá́y lòng : tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, không một sức mạnh nào phá vỡ nổi.
1 2
|