Tác giả: Tiền Kỳ Tham
Đầu mùa thu năm 1980, đồng chí Đặng Tiểu Bình đã trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên nổi tiếng I-ta-li-a Ô-lin-ê-na Pha-ra-dích về một số vấn đề đáng chú ý trong nước và nước ngoài lúc bấy giờ. Đây là một cuộc nói chuyện rất khác thường của đồng chí Tiểu Bình trong thời kỳ lịch sử TQ ở vào bước ngoặt lớn. Lần nói chuyện này rất quan trọng, không những có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với công tác trong nước, mà còn đưa ra thông tin rõ ràng với thế giới, ảnh hưởng rất sâu xa.
Tôi nhớ là nữ phóng viên Pha-ra-dích đã đưa đơn xin phỏng vấn với Đại sứ quán TQ tại I-ta-li-a cũng trong năm 1980. Nữ phóng viên này nghe nói đồng chí ĐặngTiểu Bình sẽ xin từ chức phó Thủ tướng, lùi về tuyến hai, nên nghĩ bằng bất cứ giá nào cũng phải phỏng vấn một lần ông Đặng Tiểu Bình trước khi ông về nghỉ. Năm đó bà Pha-ra-dích khoảng 50 tuổi, là người nổi tiếng khéo nắm bắt thời cơ phỏng vấn các nhân vật quan trọng trên chính trường quốc tế, được coi là một phóng viên rất khó tính. Tiến sĩ Kít-xinh-gơ từng trả lời phỏng vấn và có ấn tượng không hay lắm đối với bà. Đối với một phóng viên như vậy yêu cầu phỏng vấn đồng chí Đặng Tiểu Bình, chúng tôi rất do dự, lúc đầu chưa đồng ý để bà phỏng vấn. Tháng 9 năm đó Tổng thống I-ta-li-a Péc-ti-ni đến thăm TQ theo lời mời, phía I-ta-li-a cũng tiến cử bà Pha-ra-dích đến TQ, càng làm tăng thêm lý do bà xin phỏng vấn.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến đơn xin phỏng vấn của bà Pha-ra-dích được chấp nhận là đồng chí Tiểu Bình quả thực có lời muốn nói. Lúc đó là lúc sau khi triệu tập hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản TQ khóa 11, dưới sự chỉ đạo tư tưởng của đồng chí Đặng Tiểu Bình, toàn quốc giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, dẹp loạn để xây dựng lại trật tự, chuyển trọng điểm công tác vào việc xây dựng kinh tế, thi hành cải cách mở cửa, tăng nhanh xây dựng hiện đại hóa, và đã bước đầu thu được hiệu quả. Song còn phải thống nhất tư tưởng trong và ngoài đảng trên không ít vấn đề quan trọng, nước ngoài còn tồn tại nhiều nghi vấn, nhất là đánh giá ra sao đối với Mao Trạch Đông và Đại cách mạng văn hoá, mỗi người nói một khác, ý kiến không nhất trí. Trung ương quyết định phải thông qua nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của đảng từ ngày dựng nước đến nay, tuy thảo luận nhiều lần, nhưng vẫn chưa hoàn toàn nhất trí về nhận thức. Trong bối cảnh như vậy, ngày 21 tháng 8 năm 1980, đồng chí Tiểu Bình đã tiếp bà tại Đại hội đường nhân dân Bắc Kinh.
Câu hỏi của phóng viên xoay quanh vấn đề đánh giá Mao Trạch Đông, từ các góc độ khác nhau, dần dần đi vào chiều sâu, truy hỏi đến cùng. Ngay từ đầu bà nói, đến Bắc Kinh thấy TQ biến đổi rất lớn, ảnh của Mao Chủ tịch ít hơn trước rất nhiều. Tiếp đó nêu ra câu hỏi "ảnh Mao Chủ tịch treo ở Thiên An Môn, có vĩnh viễn treo ở đó hay không?" còn nêu ra vấn đề về quan hệ giữa Mao Chủ tịch với "bọn bốn người" ra sao, sai lầm của Mao Chủ tịch xảy ra từ lúc nào, phát động cuộc "Đại cách mạng văn hoá" để làm gì v,v, vấn đề liên tiếp được nêu ra, hỏi đến tận gốc.
Đồng chí Tiểu Bình nói chắc như đinh đóng cột: Ảnh Mao Chủ tịch trên Thiên An Môn "sẽ vĩnh viễn treo ở đó. Trước đây ảnh Mao Chủ tịch treo quá nhiều, nơi nào cũng treo, cũng không phải một chuyện nghiêm túc, cũng không bày tỏ được sự tôn trọng đối với Mao Chủ tịch."
Còn "Sai lầm của Mao Chủ tịch có tính chất khác với vấn đề Lâm Bưu, 'bọn bốn người'. Phần lớn cuộc đời Mao Chủ tịch đã làm việc rất tốt, nhiều lần cứu đảng và nhà nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Không có Mao Chủ tịch, chí ít nhân dân TQ chúng tôi còn phải tìm tòi trong thời gian dài hơn trong đen tối." Tiếp đó đồng chí Tiểu Bình đã phân tích một cách thực sự cầu thị và khách quan nguyên nhân Mao Chủ tịch mắc sai lầm trong thời gian cuối đời chủ yếu là do tư tưởng "tả". Thời gian này Mao Chủ tịch ít tiếp xúc với thực tế, chưa quán triệt tốt những tác phong tư tưởng tốt mà mình đề xướng trước đây, ví dụ như chế độ tập trung dân chủ, đường lối quần chúng, không ban hành cũng không hình thành chế độ tốt đẹp ...do đó cuối cùng đã dẫn đến cuộc "Đại cách mạng văn hóa".
1 2
|