Viêm đế và Hoàng đế là nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết lịch sử TQ, có ảnh hưởng sâu xa trong lòng mọi người. Nhiều năm nay, Viêm đế và Hoàng đế đã được tôn sùng là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa. Nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ do con cháu Viêm Hoàng sáng tạo,cũng được gọi là nền văn hóa Viêm Hoàng. Nền văn hóa Viêm Hoàng là của cải tinh thần của dân tộc Trung Hoa, cũng là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa Thế Giới.
Tình hình về Viêm đế và Hoàng đế đã được ghi chép trong không ít sách cổ. Theo cuốn "Quốc Ngữ", thì Hoàng đế và Viêm đế là hai anh em, họ đều là con trai của Thiếu Điển. Hoàng đế sống ở Cơ Thuỷ, Viêm đế sống ở Khương Thuỷ, hai người đều lấy tên nơi ở làm họ của mình, bởi thế con cháu của Hoàng đế mang họ Cơ, còn con cháu Viêm đế thì mang họ Khương.
Trong lịch sử lưu truyền nhiều truyện về Viêm đế và Hoàng đế, trong đó khá tiêu biểu là hai cuộc chiến tranh nổi tiếng, đó là cuộc chiến tranh Bản Tuyền và cuộc chiến tranh Trác Lộc.
Cuộc chiến tranh Bản Tuyền là cuộc chiến tranh giữa Hoàng đế và Viêm đế. Qua nhiều lần kịch chiến, cuối cùng Hoàng đế đã chiến thắng Viêm đế và thôn tính bộ lạc của Viêm đế.
Cuộc chiến tranh Trác Lộc là cuộc chiến tranh giữa Hoàng đế và Suy Vưu. Suy Vưu là thủ lĩnh của Cửu Lê, "Cửu Lê" có thể là tên gọi của một thị tộc hoặc bộ lạc. Kết cục của cuộc chiến tranh, Suy Vưu bị thua, Hoàng đế đã giết Suy Vưu và giành được thắng lợi.
Truyền thuyết về Hoàng đế, ngoài cuộc chiến tranh Bản Tuyền và cuộc chiến tranh Trác Lộc đã nêu trên, còn có một nội dung quan trọng, tức là Hoàng đế và các cận thần của mình có rất nhiều phát minh sáng tạo, ví dụ như: giếng nước, văn tự, quần áo, cung, trống, v,v, tương truyền đều là do Hoàng đế và các cận thần của mình phát minh ra. Vợ của Hoàng đế là Luy Tổ, cũng có phát minh quan trọng, trong truyền thuyết cổ đại TQ, bà là người phát minh ra việc nuôi tằm.
Trong những truyền thuyết về Hoàng đế, hiện nay còn tồn tại không ít vấn đề, trong đó một vấn đề thường được mọi người nhắc đến, tức là Hoàng đế có phải thực sự là có người như vậy không. Về việc này, có nhiều cách nói khác nhau. Có người nói Hoàng đế là một vị thần, có người nói Hoàng đế là một người, có người nói Hoàng đế là tên gọi của một bộ lạc, có người nói Hoàng đế là tên gọi của thủ lĩnh bộ lạc, cũng có người nói, Hoàng đế vừa là tên gọi của một bộ lạc cũng là tên gọi của thủ lĩnh một bộ lạc v,v, tóm lại, hiện nay còn chưa có một cách nói thống nhất.
Cách nói lưu truyền tương đối rộng hiện nay "Hoàng đế là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa", cũng là truyền thuyết chứ không phải là lịch sử có thật. Thừa nhận truyền thuyết không có nghĩa là lịch sử, đây chỉ là cách nhìn nhận của chúng ta ngày nay, còn người ngày xưa thì lại không nhìn nhận như vậy, họ coi truyền thuyết như là lịch sử, cho rằng lịch sử đúng như trong truyền thuyết đã nói.
Vậy thì lịch sử Trung Quốc đã bắt đầu từ bao giờ? Điều này phải xác định rõ ràng. Tuy truyện về Hoàng đế chỉ là truyền thuyết, nhưng xét từ bối cảnh xã hội mà truyền thuyết đã miêu tả, thời đại của Hoàng đế phải là thời kỳ cuối của xã hội nguyên thuỷ, cách ngày nay chẳng qua khoảng 4 nghìn đến 5 nghìn năm, mà lịch sử TQ không phải bắt đầu từ thời kỳ này. Xét theo tư liệu khảo cổ học, thì từ rất lâu trước thời đại của Hoàng đế, trên đất nước Trung Quốc đã có hoạt động của loài người. Ví dụ, "người Bắc Kinh" nổi tiếng Thế Giới, niên đại của nó cách nay đã 700 nghìn đến 230 nghìn năm, niên đại của người Lam Điền trước người Bắc Kinh cách nay đã có khoảng 1 triệu đến 600 nghìn năm, niên đại của người Nguyên Mưu trước người Lam Điền cách nay đã khoảng 1 triệu 800 nghìn năm. Những phát hiện kể trên tức là những hóa thạch nhân loại cổ và di vật nhân loại cổ có niên đại sớm nhất phát hiện trên đất nước Trung Quốc.
Ở đây đề cập một vấn đề, bây giờ chúng ta phải xác định sự mở đầu lịch sử Trung Quốc theo nguyên tắc gì? Về việc này, phải nói rằng, kể từ lúc xuất hiện hoạt động của loài người trên đất nước Trung Quốc, thì lịch sử Trung Quốc cũng phải bắt đầu ngay từ đó. Hiện nay tư liệu khảo cổ học đã chứng tỏ, cách đây 1 triệu 800 nghìn năm về trước, trên đất nước Trung Quốc đã xuất hiện hoạt động của con người, vậy thì lịch sử Trung Quốc cũng phải bắt đầu từ thời kỳ đó. Bởi vậy xét theo tư liệu hiện nay, thì sự mở đầu lịch sử Trung Quốc, phải là cách đây 1 triệu 800 nghìn năm trước, chứ không phải 4-5 nghìn năm trước.
1 2
|