Tản văn "Cha và sách"
Tác giả Lý Viêm
Hồi còn nhỏ, cha chỉ học qua nửa năm lớp tư thục. Nghe người khác kể lại rằng, một bận ông thầy bảo cha nhận mặt chữ "phong", vậy mà cha không biết. Người bạn cùng bàn muốn gợi ý cho cha, bèn chúm miệng thổi một làn gió ra ngoài, cha hiểu lầm đó là chữ "thổi", kết quả cha bị ông thầy vụt cho mấy thước kẻ.
Chuyện vui này truyền mãi trong thôn. Tuy rằng, hồi còn nhỏ tôi bị các bạn học trế giễu bởi câu chuyện này của cha, thế nhưng tôi lại cho rằng, cha là người rất có học vấn, bởi vì cha thường có rất nhiều chuyện hay kể mãi không hết.
Những đêm đông trong làng quê không có ánh điện, thường cảm thấy đêm hôm sao mà dài đằng đẵng vậy, mẹ thường ngồi dưới ngọn đèn dầu khâu vá; cha nửa ngồi nửa nằm trên giường, thế là tôi cứ thường nài cha kể chuyện cho nghe. Những câu chuyện cha kể phần lớn đều là chuyện dân gian, hay là những câu chuyện trong cuốn "24 hiếu đồ" ví dụ như Vương Tường nằm trên băng câu cá, Đổng Vĩnh bán thân để an táng cho cha v v ... tất nhiên rồi, xuất xứ của những câu chuyện này về sau tôi mới biết.
Cho mãi đến sau khi tôi học lên sơ trung rồi, mới không còn nghe cha kể chuyện nữa. Có một bận, tôi đang làm bài tập môn lịch sử. Bỗng cha chỉ tay vào chữ "Tùy" danh từ thời nhà Tùy, rồi hỏi tôi chữ này đọc như thế nào. Sau khi tôi nói cho cha biết, cha cảm thấy kinh ngạc rồi nói: "Cha chỉ nghe có các thời nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh, nhưng nào có nghe thấy có thời nhà Tùy đâu." Lúc bấy giờ, tôi thật như sét đánh ngang tai. Bởi vì trước đó, tôi không nghĩ rằng, kiến thức của cha sao mà ít ỏi vậy. Tôi quả thật không biết rằng, những câu chuyện hết sức sinh động mà cha kể cho tôi nghe là xuất xứ từ đâu vậy? Những ngày sau đó, mỗi khi đối diện với cha, cõi lòng non nớt của tôi thường dâng một nỗi đồng tình sâu sắc.
Khi tôi lên đến cao trung, cha đã ngoài 50. Hai người chị của tôi đã gả theo nhà chồng đi xa, anh trai tôi qua đời bởi một sự cố bất ngờ, tôi là con út trong gia đình lại phải đi học xa nhà những mười mấy cây số. Ở nhà chỉ còn lại cha mẹ già, như đôi mái chèo bị vứt bỏ một cách cô đơn trên bãi cát hoang vu. Bỗng dưng cha già đi rất nhiều. Nỗi niềm cô đơn hiu quạnh, cảm giác buồn thương trong lòng cha, tôi thật không bút mực nào có thể tả nổi. Hồi đó, một dạo tôi có ý định thôi học về nhà, đây không phải là vì tôi thương cho sự vất vả của cha, chẳng qua là vì muốn về sống cùng cha trong những năm tháng cô đơn buồn thương. Nhưng lòng kiên định của cha đã khiến tôi từ bỏ ý định thôi học, cha một mực ủng hộ tôi học hết đại học, cho mãi đến khi tôi tham gia công tác.
Cha là loại người có chuyện buồn gì là một mình gánh chịu nuốt vào bụng. Trong những ngày đau buồn, cha không hề để lộ ra bên ngoài, thường chỉ lẳng lẽ chăm chú xem sách. Hễ được rỗi là cha lại ôm những cuốn cách Đường Tống diễn nghĩa dày cộm ra đọc. Thân hình cha cao lớn, ngồi lên chiếc ghế con, đeo cặp kính lão không quai buộc bằng sợi dây, cầm cuốn sách ngồi đọc chăm chú. Tình cảnh này, bỗng khiến tôi cảm thấy một nỗi niềm thương cảm man mác êm đềm. Năm tháng bể dâu, những nỗi vất vả trong cuộc sống, nỗi niềm buồn đau của nhân sinh, khiến thân hình cha gù xuống, thế nhưng cõi lòng cha lại rất phẳng lặng, bình thản chấp nhận mọi biến cố của hiện thực.
Chính bởi bị mọi người trêu trọc về việc cha không biết nhận mặt chữ "Tuỳ", cho nên tôi quả là có chút nghi ngờ trước khung cảnh cha ngồi đọc sách, thế nhưng tôi lại cảm thông một cách sâu sắc cõi lòng của một người già tìm kiếm niềm an ủi trong những cuốn sách trong khi phải gánh chịu nỗi niềm đớn đau của cuộc sống. Mỗi khi tôi trở về nhà vào ngày cuối tuần, là cha lại thường chỉ vào những mặt chữ trong sách mà cha không biết đọc để hỏi tôi, và tôi cứ bảo cho cha biết hết lần này đến lần khác. Dần dần cha rút kinh nghiệm, đó là phương pháp nhận mặt chữ của tú tài ngày xưa: chữ nào dài thì nhận một nửa, chữ ngắn ngắn thì nhận một bên.
Lúc bấy giờ, có một bác già hàng xóm tối nào cũng đến nhà tôi để nghe cha đọc sách, có lẽ bác đến nhà là để an ủi vết thương trong trái tim cô quạnh của cha chăng? Hai người ngồi ở đầu giường, dưới ngọn đèn dầu le lói, một người lớn tiếng đọc rành rọt từng chữ một, một người thì chăm chú ngồi nghe như nuốt từng chữ. Thường thì có nhiều chữ cha đọc sai, ví dụ như Triệu Khuông Dật thì đọc thành Triệu Khuông Dục, Kim Ngột Thuật thì đọc thành Kim Nguyên Thuật thì cũng chẳng việc gì, bởi vì bác già hàng xóm này chẳng biết mấy mặt chữ. Hễ cứ có một nhân vật trong truyện xuất hiện, thì bác già hàng xóm lại nôn nóng hỏi cha rằng: là trung thần hay là gian thần đấy? Mỗi khi nghe vậy là bất giát tôi lại cười thầm, nhưng lại cảm thấy bùi ngùi trước cảnh cha và bác hàng xóm vui với nhau trong cảnh buồn khổ. Đôi khi hai người ngừng lại, bình luận phân tích tâm lý của các nhân vật trong truyện, suy đoán tình tiết phát triển của câu truyện, ấy thế mà hai người có cách nhìn nhận rất độc đáo, khiến tôi thường bị thu hút theo họ. Có một bận, tôi vô tình đứng ở giữa hai người để nghe kể truyện, nhưng cha tôi lại mỉm cười ngượng nghịu, rồi nói với tôi rằng: "Có nhiều chữ cha không biết đọc đâu, hay là con đọc cho cha và bác nghe đi nào." Tối hôm đó, tôi đọc truyện cho hai người nghe rất lâu, tuy tôi đọc trôi chảy hơn cha nhiều, rốt cục thì bác hàng xóm lại nói rằng, tôi đọc chẳng hấp dẫn gì cả. Lại có một bận, tôi tiện tay giở cuốn "Nhạc Phi truyện " mà cha đang xem, phát hiện trong sách có nhiều chỗ bị cháy thành những lỗ thủng nhỏ, tôi cảm thấy khó hiểu, quyển sách lành lặn như vậy, sao cha lại sơ suất thế nhỉ? Nhưng khi nhìn kỹ, tôi phát hiện những bí mật trong đó, những lỗ nhỏ bị đốt cháy đều là tên của Tần Cối. Thì ra là bác hàng xóm vừa nghe truyện vừa phẫn uất trước hành vi gian xảo của Tần Cối, liền dùng đầu thuốc lá đốt cháy những chữ "Tần Cối" đi.
1 2 3 |