Ý của câu thành ngữ này là chỉ khi tức giận thì lời nói và sắc mặt đều trở nên nghiêm khắc.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Nhân thoại lục" của Triệu Lân triều nhà Đường.
Thời Đường Đức Tông, Vi Thụ đảm nhiệm chức học sĩ hàn lâm, ông là người rất tận tụy với công việc, nên được Đường Đức Tông rất tin cậy, ông suốt ngày bận rộn đến nỗi không có thời gian để chăm sóc mẹ già. Làm việc trong cung đã gầm 10 năm, nên ông rất thấu hiểu nơi cung đình là đất thị phi, có chút sơ xuất là chuốc vạ vào thân, cho nên trước khi mất, ông đã căn dặn con trai Vi Ôn là chớ có làm học sĩ hàn lâm. Vi Ôn ứa lệ nhận lời di huấn này của cha.
Vi Ôn là người hiếu học và thông minh, hơn nữa lại rất có hiếu đối với bề trên. Sau khi cha mất, ông từng đảm nhiệm qua nhiều chức vụ. Đến thời vua Văn Tông lên ngôi, nhà vua rất hâm mộ tài năng của ông và quyết định bổ nhiệm ông làm học sĩ hàn lâm.
Vi Ôn nhớ tới lời di huấn của cha, nên đã mấy lần xin vua Văn Tông rút bỏ quyết định này. Nhà vua cảm thấy rất kỳ lạ, không hiểu lẽ tại sao Vi Ôn lại từ chối chức vụ mà người khác rất thèm muốn cũng với không tới này. Qua tìm hiểu, nhà vua mới hiểu rõ được nguyên nhân. Vua bí quá hóa giận mới nói với các đại thần rằng: "Ta vốn muốn trọng dụng Vi Ôn, nhưng mỗi lần nêu ra đều bị ông ta từ chối, chẳng lẽ triều đình thiếu ông ta thì không được sao?" Khi nói những lời này, lời nói và sắc mặt của nhà vua lộ vẻ rất nghiêm khắc. Một đại thần đứng bên thấy vậy vội khuyên rằng: "Vi Ôn làm như vậy là xuất phát từ lòng hiếu thảo, mặc dù lời di huấn của Vi Thụ là sai lầm, nhưng Vi Ôn vẫn cứ tuân theo, qua đó có thể thấy lòng hiếu thảo quả là đáng quý". Vua Văn Tông nghe vậy cũng dần dần bớt giận rồi ra lệnh bãi bỏ lệnh bổ nhiệm Vi Ôn.
|