Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 22, Uỷ ban bầu cử Kê-ni-a tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày hôm trước đã phủ quyết hiến pháp mới. Nhân sĩ phân tích nêu rõ, kết quả này sẽ mang lại phiền phức nhất định đối với chính phủ Kê-ni-a do Tổng thống Ki-ba-ki lãnh đạo, nhưng còn chưa lay chuyển căn bản địa vị cầm quyền của ông.
Cùng ngày, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Kê-ni-a Ki-vui-tu tuyên bố, theo thống kê đến nay, có 58% ý kiến bày tỏ phản đối hiến pháp mới, 42% ý kiến ủng hộ. Tuy kết quả thống kê cuối cùng còn chưa công bố, nhưng hiến pháp mới bị trưng cầu dân ý phủ quyết là tình hình đã định. Trong lời phát biều truyền hình trước đó, Tổng thống Ki-ba-ki cũng thừa nhận hiến pháp mới bị thất bại, bày tỏ sẽ thuận theo dân ý, tiếp nhận kết quả này.
Tháng 12 năm 2002, Đồng minh Cầu vồng toàn quốc (NARC) gồm 14 đảng đối lập đã chiến thắng Liên minh dân tộc Châu Phi Kê-ni-a lên cầm quyền, ông Ki-ba-ki được bầu làm Tổng thống. Để thực hiện lời cam kết "Sửa đổi hiến pháp nội trong 100 ngày cầm quyền" đưa ra khi tranh cử, tháng 4 năm sau Tổng thống Ki-ba-ki trở lại tiến trình sửa đổi hiến pháp, nhưng do có sự bất đồng trên mấy vấn đề then chốt như đặt chức vụ Thủ tướng, phân phối và trao quyền lực Tổng thống v.v, mâu thuẫn giữa các đảng trong Đồng minh Cầu vồng toàn quốc khoét sâu. Tháng 7 năm nay, Nghị viện Kê-ni-a đã thông qua văn bản cuối cùng hiến pháp mới với đặc trưng chính là "Tổng thống ở thế mạnh, Thủ tướng ở thế yếu", đồng thời quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 21 tháng này.
Nhân sĩ phân tích cho rằng, sau khi hiến pháp này bị phủ quyết, Đảng Dân chủ tự do và Liên minh dân tộc Châu Phi Kê-ni-a sẽ dốc sức thúc đẩy Nghị viện tiếp nhận dự thảo hiến pháp "Thủ tướng ở thế mạnh, Tổng thống ở thế yếu" của họ, gây sức ép lớn hơn cho chính phủ Ki-ba-ki luôn muốn duy trì quyền lực tuyệt đối của Tổng thống. Trước cuộc trưng cầu dân ý, thành viên Đảng Dân chủ, Bộ trưởng Xây dựng đường sá và công cộng Kê-ni-a Ô-đin-ga nói, nếu hiến pháp mới được thông qua, ông sẽ từ chức Bộ trưởng, còn hiến pháp mới bị phủ quyết, ông sẽ khuyên Tổng thống Ki-ba-ki từ chức Tổng thống.
Nhân sĩ phân tích cho rằng, sau khi hiến pháp mới bị phủ quyết, mặc dù chính phủ Ki-ba-ki đứng trước vấn đề nan giải làm dịu sự chia rẽ xã hội và củng cố sự đoàn kết nội bộ, nhưng khả năng địa vị căn bản của ông bị lay chuyển không lớn. Nguyên nhân chính chủ yếu có mấy mặt như sau:
Một là, uy tín của Tổng thống Ki-ba-ki khá cao. Hai là, Đồng minh cầu vồng toàn quốc vẫn chiếm địa vị chủ đạo trong Nghị viện, phái đối lập khó có thể khiến Tổng thống hạ bệ thông qua hình thức bỏ phiếu không tín nhiệm hoặc luận tội. Ngoài ra, chính phủ Ki-ba-ki đã áp dụng một loạt chính sách như nâng cao tiền lương của nghị sĩ, đảm bảo đãi ngộ của nhân viên cấp tỉnh, giải quyết một số vấn đề đất đai v.v để làm dịu mâu thuẫn các bên, nhưng trên vấn đề quyền lãnh đạo, hai bên khó có thể đi đến nhất trí trong thời gian ngắn .
|