Nghe Online
Nguyên ý là chỉ con chó của gia đình có đám tang. Hiện nay người ta dùng để ví về người không có nơi nương nhờ.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Khổng Tử thế gia".
Khồng Tử từ lúc 30 tuổi đã bắt đầu mở trường tư thục và thu nhận môn đồ. Đến khi 50 tuổi ông mới được vua nước Lỗ cho nhậm chức Trung Đô Thừa, về sau lại lần lượt đảm nhận các chức vụ Tư Không, Tư Khấu v v. Nhưng dù vậy, vua nước Lỗ vẫn không thật sự coi trọng ông, Khổng Tử thấy ở nước Lỗ không được vừa ý và không thể trổ hết tài năng chính trị của mình , nên bèn dẫn theo các đệ tử rời khỏi nước này.
Thầy trò Khổng Tử trước sau đến các nước chư hầu Vệ, Trần, Tống v v, nhưng các nước này đều không chịu áp dụng những kiến nghị của Khổng Tử về mặt chính trị. Do đó, họ lại đi sang nước Trịnh. Nhưng không ngờ, khi đến bên ngoài cửa phía đông đô thành nước Trịnh, thầy trò Không Tử đi lạc nhau, chỉ một mình Khổng Tử đứng đợi ở dưới cửa thành. Đệ tử Tử Cống sốt ruột đi tìm thầy khắp ở nơi, khi gặp một người nước Trịnh mới hỏi rằng: "Anh có nhìn thấy thầy tôi ở đâu không?".
Người nước Trịnh này đáp: "Tôi thấy ở ngoài cửa đông có một ông già rất quái gở. Trán ông ta trông như vua Nghiêu, cổ như Cao Đào, vai như Tử Sản, còn từ lưng trở xuống thì trông giống như ông Vũ. Dáng vẻ buồn bã của ông ta thật chẳng khác nào một con chó của nhà có đám tang. Tôi cũng không biết người đó có phải là thầy của anh không".
Tử Cống nghe vậy vội vàng chạy ra ngoài cửa đông. Khi gặp được Khổng Tử, anh bèn đem lời người nước Trịnh nói lại với thầy. Khổng Tử nghe xong liền cười phá lên nói: "Anh ta đem thầy so sánh với người này người khác thì thật không chuẩn xác, nhưng đem ví với một con chó của nhà có đám tang thì thật không có gì xác đáng hơn nữa ".
|