Nghe Online
Ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây miền nam Trung Quốc, có một nơi gọi là Tam Giang, ở đó có núi xanh nước biếc, phong cảnh tuyệt đẹp, là một trong những nơi tập trung cư trú chủ yếu của dân tộc Động. Tam Giang là một nơi có nhiều dòng sông, các làng dân tộc Động xen kẽ bên cạnh các dòng sông trong suốt. Bước vào làng dân tộc Động, các bạn có thể nhìn thấy các kiến trúc với tạo hình tuyệt đẹp, nghe thấy tiếng hát với giai điệu du dương, còn có thể nếm thử những món ăn ngon lấy mùi vị chua là chính...
Dân tộc Động rất coi trọng chọn địa chỉ xây dựng nhà ở, bản làng thường ở triền núi hướng nam gần sông. Đồng bào trồng cây đa, cây san cao lớn quanh núi, bản làng nhỏ được che lấp trong rừng cây xanh, khiến mọi người có cảm giác yên tĩnh.
Đến gần làng dân tộc Động, mọi người sẽ phát hiện kiến trúc đen nhìn từ xa thực ra xây thật tinh xảo, có ngói chỉnh tề, mái hiên vểnh lên và hành lang khúc khuỷu, chỗ nào cũng thể hiện cái đẹp hàm súc và tinh xảo. Nhưng trước khi bước vào làng dân tộc Động, nhất thiết phải đi qua một cây cầu, đây cũng thể hiện dân tộc Động thiết kế bản làng hết sức tinh xảo. Cây cầu đó giống như hành lang dài bắc qua sông, ở đầu cầu và giữa cầu đều có đình để nghỉ ngơi và chắn gió che mưa cho người qua lại, cầu này gọi là "Cầu phong vũ".
Trong các cây cầu phong vũ trong làng dân tộc Động ở huyện Tam Giang, cầu phong vũ Trình Dương nổi tiếng nhất. Cầu xây trước làng Trình Dương, tạo hình đẹp đẽ, khí thế hoành tráng, có hai đình xây ở đầu cầu, ba đình xây ở giữa cầu. Các đình trên cầu có tạo hình khác nhau, nhìn từ xa, các cây cầu cao thấp nhấp nhô, rất có ý vị. Bước vào hành lang trên cầu, nhìn thấy phong cảnh khác nhau. Mấy bà già dân tộc Động dựa vào lan can thêu thùa một cách ung dung, đằng sau họ là một ngôi chùa nhỏ, trong đó thờ cúng thần cầu, bảo vệ bình yên cho cả làng.
Chị Dương Yến Tư, người dân tộc Động làm việc trong Viện bảo tàng sinh thái dân tộc Động huyện Tam Giang giới thiệu lịch sử cây cầu Trình Dương cho chúng tôi biết:
"Cầu Trình Dương bắt đầu xây vào năm 1912, mất 12 năm mới xây xong. Xây dựng cây cầu này hết sức phức tạp, nó là một cây cầu khá hoành tráng. Trong làng dân tộc Động chúng tôi có làng là có lầu, có sông là có cầu. Trước kia cầu được coi là cầu phong thủy, sau đó là để chắn gió che mưa cho người đi đường, nên gọi là cầu phong vũ."
Sau khi qua cầu, thì có thể bước vào làng dân tộc Động. Nhà sàn cao thấp xen kẽ, rải rác trên triền núi, giữa các ngôi nhà là các khoảnh ruộng nước, đầm ao, rừng nứa, khoảnh đất trồng rau. Thỉnh thoảng có một đàn ngỗng trắng bơi nước đi qua, một hai tiếng kêu cho thấy sự yên tĩnh và yên lành của làng. Trong làng, chúng ta có thể phát hiện rất nhiều dấu ấn lịch sử, hình như thời gian trở về trăm năm trước. Chẳng hạn, một cô gái dân tộc Động giặt quần áo ở bên sông vẫn dùng chày gỗ nện quần áo, ngoài ra, cối xay đá, khung cửi của các hộ gia đình cũng như guồng nước đi chậm chạp, phát ra tiếng kẹt kẹt, búi tóc tết ở đỉnh đầu phụ nữ trong làng, đều khiến người ta có cảm giác trở về ngày xa xưa.
Trong làng dân tộc Động, ngoài tâm linh có thể hưởng thụ cái yên tĩnh ra, người cẩn thận có thể phát hiện, màu sắc ở đây đều nhã nhặn. Ngói màu đen, cửa và cửa sổ màu gụ, mọi người mặc quần áo màu đen xanh, cô gái trẻ mặc quần áo màu xanh da trời, thứ duy nhất có màu sắc tươi đẹp là bông hoa đỏ làm bằng nhung cài trên đầu cô gái.
Tiếng hát với giai điệu du dương từ quảng trường ở giữa làng vang vọng đến. Làng dân tộc Động quy mô không lớn, nói chung chỉ có 100-200 hộ gia đình, nhưng mỗi một làng đều có một quảng trường nhỏ, một bên quảng trường là lầu trống cao, một bên là sân khấu rộng, khi trong làng có hoạt động quan trọng, bà con trong làng đều ra sum họp ngoài quảng trường, đây cũng là nơi thanh niên nam nữ dân tộc Động làm quen với nhau.
Dân tộc Động là một dân tộc hay hát, tiếng hát của họ không có cái mênh mông của tiếng hát dân tộc thiểu số ở đồng cỏ, cũng không bay bổng và ngân vang bằng dân tộc ở núi cao, nhưng có cái đẹp hài hoà, dịu dàng của riêng mình, thể hiện đầy đủ dân tộc Động theo đuổi cái đẹp giai điệu âm nhạc, mang lại cảm giác tốt đẹp cho thính giả.
Khi ráng chiều nhuộm đỏ bầu trời phía tây, trong làng có khói bếp nghi ngút bay lên, đến lúc nếm thử các món ăn ngon của dân tộc Động rồi. Đến làng dân tộc Động, chúng ta có thể phát hiện các món ăn của dân tộc Động lấy mùi vị chua là chính. Các món ăn tiêu biểu của dân tộc Động là cá chua, vịt chua, thịt chua và rau chua, ăn cùng với cơm nếp, dùng tay bốc lấy ăn. Các món ăn chua của dân tộc Động không phải chế biến bằng gia vị, mà chế biến bằng cách bọc thức ăn cùng với gạo nếp và muối, để trong vò 10-15 ngày, thậm chí 1-2 năm, để thức ăn lên men tự nhiên, hình thành mùi chua đặc biệt.
Dân tộc Động có một phương thức uống chè bơ đặc biệt, gọi là chè Cốc Vũ. Nó vừa là một tập tục lễ tết, vừa là một hoạt động xã giao. Bà Ngô Quý Trinh, người dân tộc Động giới thiệu rằng:
"Hái chè Cốc Vũ là hoạt động cầu mong gió hòa mưa thuận, chúng tôi lên núi hái chè vào ngày Cốc Vũ, phụ nữ các gia đình dùng lá chè Cốc Vũ nấu nước chè, cả nhà cùng uống chè bơ. Phụ nữ cũng lợi dụng hoạt động này để giao lưu với nhau, thăm nhau và mời nhau uống chè bơ, có khi một buổi tối đi thăm mười mấy hộ gia đình, để thúc đẩy giao lưu láng giềng."
Mỗi khi trong làng có hoạt động long trọng, các hộ gia đình đều làm món ăn gia truyền, lấy cá chua thịt chua để mấy năm trong nhà ra quảng trường, bà con sum họp, cùng ăn cơm, cùng uống rượu, đấy gọi là "Yến tiệc Bách Gia" của dân tộc Động. Tham gia "Yến tiệc Bách Gia" của dân tộc Động, có thể thể nghiệm được tình cảm chân thành, vui vẻ, chất phác, nhiệt tình của đồng bào. Trong yến tiệc Bách Gia, bà con uống rượu, ăn thịt thoả thích, tận tình vui chơi, hát múa, nam, nữ, già, trẻ trong làng đều vui chơi đến ánh sáng ban mai xuất hiện ở bầu trời phía đông, mọi người mới quay về nhà.
|