Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Hán thư – Truyện ngoại thích".
Thời Tây Hán, quan thự chuyên quản về ca nhạc trong các yến tiệc và trên đường du hành của triều đình là Nhạc Phủ. Nhạc Phủ lúc bấy giờ có quy mô rất lớn, nó đồng thời còn sưu tập thơ ca và nhạc khúc trong dân gian. Lý Diên Niên là một nhạc sư trong Nhạc Phủ. Em gái ông là một ca kỹ. Hán Võ Đế rất hâm mộ tài năng của Lý Diên Niên và thường xuyên triệu ông vào cung ca hát.
Có một lần lý Diên Niên hát rằng: "Bắc phương có giai nhân, Tuyệt thế mà độc lập, Nhất cố khuynh nhân thành, Tái cố khuynh quốc nhân. Ninh bất chi khuynh thành dữ khuynh quốc, Giai nhân nan tái đắc". Lời bài hát này có nghĩa là: Ở miền bắc có một vị tuyệt sắc giai nhân, người trong thành trong nước sau khi nhìn thấy sắc đẹp của nàng, đều bị khuynh đảo và tấm tắc khen ngợi. Giai nhân xinh đẹp như vậy quả là hiếm thấy.
Hán Võ Đế nghe xong vô cùng mừng rỡ, bèn hỏi Lý Diên Niên phải chăng trên đời này cũng có một phụ nữ xinh đẹp như vậy? Bấy giờ, chị của vua là công chúa Bình Dương mới nói với Hán Võ Đế rằng: "Người phụ nữ xinh đẹp đó chính là cô em gái của Lý Diên Niên". Hán Võ Đế nghe vậy lập tức chuyền lệnh triệu nàng vào cung, thì thấy nhan sắc của nàng quả thật là trên đời này không có người phụ nữ nào có thể sánh kịp.
Tức thì, Hán Võ Đế để nàng ở lại trong cung và tôn nàng làm Lý phu nhân. Lý phu nhân không những xinh đẹp, mà còn giỏi về ca múa, nên càng được Hán Võ Đế sủng ái. Nhưng ít lâu sau, Lý phu nhân bị bệnh qua đời. Hái Võ Đế vô cùng đau đớn, bèn ra lệnh vẽ chân dung nàng đem treo ở trong cung, để bày tỏ nỗi niềm thương tiếc của mình.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví về sắc đẹp tuyệt vời của người phụ nữ.
|