Dân tộc Kan-kát hiện có 141 nghìn 549 dân, chủ yếu tập trung cư trú ở Khu tự trị dân tộc Uây-ua Tân Cương.
Các thế hệ dân tộc Kan-kát phần lớn sống cuộc sống du mục, kiêm làm ruộng.
Dân tộc Kan-kát có ngôn ngữ của mình, chia thành hai phương ngôn miền nam và miền bắc. Sau khi toàn thể đồng bào tin theo đạo Hồi trong lịch sử, nhiều đồng bào dân tộc Kan-kát thạo cả tiếng dân tộc Uây-ua lẫn tiếng dân tộc Ca-dắc.
Dân tộc Kan-kát có văn hóa rực rỡ. "Ma-nát-xi"—sử thi dân gian nổi tiếng của dân tộc Kan-kát là một áng văn hoành tráng, lời văn sinh động, được gọi là bông hoa trong văn học dân gian, chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa dân tộc truyền thống thế giới. Đàn ba dây "Kao-mu-tsi" là nhạc cụ độc nhất vô nhị của dân tộc Kan-kát, âm điệu hài hoà phong phú; các tay nghề truyền thống như thêu, điêu khắc, dệt hoa, làm đồ trang sức vàng bạc v.v. có đặc sắc riêng. Mỗi khi vào ngày lễ tết, dân tộc Kan-kát luôn tổ chức các loại hoạt động văn hoá giải trí để chúc mừng.
Lễ cưới của dân chăn nuôi ở vùng núi cao:
Lễ cưới của dân tộc Kan-kát hết sức long trọng, chia thành hai bước là đính hôn và kết hôn. Khi đính hôn, nhà trai dùng một con ngựa thồ trên mình những món quà đến nhà gái, trên đầu ngựa phải buộc một miếng bông trắng toát, để cho biết là đính hôn. Bố mẹ nhà gái chiêu đãi bằng thức ăn ngon nhất. Nói chung lễ cưới phải kéo dài 3 ngày, phần lớn chọn ngày cưới vào cuối tháng, lễ nghi chủ yếu diễn ra trong nhà gái. Ngày đầu tiên, được bố mẹ và người thân đi cùng, chú rể mang quà đến nhà gái. Quà gồm hai con dê mới mổ, một con được nấu chín cả con; con kia được lấy hết ngũ tạng, quay chín cả da; còn có mấy chục con gia súc nhỏ. Trước khi lễ cưới bắt đầu, người thân của nhà gái trói buộc chú rể cô dâu ở ngoài cửa, lúc bấy giờ, bố mẹ chú rể phải tặng quà cho người thân của cô dâu, thỉnh cầu thả hai vợ chồng. Sau khi lễ cưới chính thức bắt đầu, một cụ già của nhà trai dùng gậy gỗ mở cửa sổ lều chiên, rải kẹo và điểm tâm từ cửa số đến bên ngoài, khách khứa tranh nhau nhặt lấy nhằm mục đích chia sẻ hạnh phúc. Sau đó, mẹ cô dâu hát "bài hát tiễn cô dâu", rồi đôi vợ chồng tân hôn ngồi xuống, lưng dựa lưng, trên đầu cô dâu chú rể đội chiếc túi, mọi người dùng một chiếc chân dê luân phiên đánh một cái vào đầu hai vợ chồng, rồi kéo lên cùng nhảy múa. Tiếp theo, do A Hông chủ trì lễ cưới, đọc lời chứng hôn, chia bánh chấm nước muối cho hai vợ chồng, tượng trưng hai vợ chồng chung sống đến lúc bạc đầu, vĩnh viễn không xa cách. Ngày thứ hai, bố mẹ hai nhà tổ chức các hoạt động đua ngựa, bắt dê, vật v.v., để tỏ ý chúc mừng. Buổi tối, cô dâu đến nhà chị dâu gặp mặt chú rể, lúc đó, bên ngoài lều chiên chật ních khách, mọi người chơi nhạc cụ dân gian truyền thống "Kao-mu-tsi", nhảy múa gặp mặt, hát bài vui mừng, cho đến đêm khuya, sau khi đòi lấy được quà, mới cho chú rể vào buồng cưới, khách khứa chơi thỏa thích cho đến thấy mệt mới ra về. Ngày thứ 3, cô dâu mang của hồi môn rất hậu đi cùng chú rể về nhà trai, trên đường cứ đi qua một làng, đều nhận được sự chiêu đãi và lời chúc phúc nhiệt tình. Trong mấy ngày đầu sau khi trở về nhà trai, hai vợ chồng còn không ngừng nhận được lời mời của người thân đi tham gia các hoạt động giải trí vui chơi, khiến hai vợ chồng được chìm đắm trong bầu không khí tuần trăng mật trong thời gian dài.
Đàn ba dây "Kao-mu-tsi" kỳ diệu:
Dân tộc Kan-kát có kho tàng âm nhạc dân gian rất phong phú, dù nam nữ già trẻ đều có tài năng âm nhạc. Nhạc cụ "Kao-mu-tsi" là đồ không thể thiếu được trong cuộc sống dân chăn nuôi, bất cứ lúc nào đồng bào dân chăn nuôi cũng dùng đàn "Kao-mu-tsi" bày tỏ tình cảm vui mừng hay đau buồn của mình.
Nhạc cụ "Kao-mu-tsi" có lịch sử lâu đời, tiếng đàn du dương. Nó vừa được dùng để diễn tấu âm nhạc dân gian, vừa được dùng để phối hợp với trống trận "Đô-u-lê-bát" diễn tấu hành khúc chiến tranh để cổ vũ chiến sĩ ở chiến trường. Đời Đường, tổ tiên dân tộc Kan-kát từng coi nhạc cụ "Kao-mu-tsi" là cống phẩm tặng cho nhà vua đời Đường. Sau đó, đời Đường lại coi nó là nhạc cụ đời Đường tặng cho Nhật. Thế kỷ 13, khi Thành Cát Tư Hãn đánh về phía tây, nhạc cụ này lại được lần lượt truyền đến núi Ba-đác, khu vực Ka-sơ-mia, vùng Trung Á, nước Ba Tư, khu vực A-rập v.v. Có thể nói, nhạc cụ "Kao-mu-tsi" là một cống hiến to lớn của dân tộc Kan-kát đối với kho tàng âm nhạc Trung Quốc nói riêng và kho tàng âm nhạc thế giới nói chung.
|