Nhật ký trong tù là sự lắng đọng về chiều sâu, về suy nghĩ. Thơ Bác giàu chất triết lý về cuộc đời, về con người và cả những cảnh ngộ của xã hội ,của thiên nhiên mà Người đã từng trải qua. Trong thơ Bác, chất trữ tình thể hiện ở những tình cảm nhân ái, chan chứa tình người khi viết về cuộc đời, về quần chúng lao động cực nhọc và về thiên nhiên tươi đẹp. Ngoài những đặc điểm như tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh cách mạng, khi nói đến thơ Bác, người ta còn hay nói đến chất thép ẩn chứa trong từng bài thơ, như Bác đã từng viết "Nay ở trong thơ nên có thép; Nhà thơ cũng phải biết xung phong".
Bài về sáng tác thơ ca, một số nhà thơ cổ Trung Quốc thường cho rằng khó để tạo được sự hoà hợp giữa những phẩm chất thơ ca khác nhau. Người viết giỏi về cảnh thiên nhiên dễ khô khan khi đề cập đến vấn đề xã hội; người triết lý sâu sắc lại cảm thấy khó khi đụng đến những đề tài hồn nhiên, tươi thắm; người có phong cách viết nghiêm túc rất khó khi vận dụng sự châm biến, hài hước và ngược lại. Đó là thực tế không chỉ với thơ xưa mà cả với thơ nay. Nhưng trong thơ Bác có được sự hoà hợp của nhiều phẩm chất: rất trữ tình nhưng cũng giàu triết lý, rất trang nghiêm nhưng cũng có lúc trào phúng, châm biến một cách thâm thuý, tế nhị.
Thơ của Bác là thơ của nhà thơ cách mạng, phản ánh trực tiếp hình ảnh người chiến sỹ cách mạng giàu trí tuệ, giàu tình cảm, có trách nghiệm với cuộc đời, giàu lòng nhân ái, căm ghét những điều xấu xa. Tất cả những điều đó khi chuyển hoá thành cảm hứng thi ca chắc chắn có nhiều đổi thay, nhưng chính nó là cơ sở để có sự tái tạo và tạo ra các giá trị sâu sắc nhiều màu nhiều vẻ trong thơ Bác. Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế là Người sử dụng tiếng nói thơ ca gắn với hoàn cảnh rất cụ thể của cuộc đời, với nhiệm vụ cách mạng nên chất thơ trong những ngày người bị tù đày, giam giữ cũng có những điểm khác với thời kỳ tiền khởi nghĩa và những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Tuy đa dạng, nhưng tất cả là một khối thuần nhất, một phong cách lớn trong thơ ca cách mạng.
Khi nói về tập Nhật ký trong tù, một số nhà nghiên cứu cho rằng có những bài thơ mang phong vị của thơ Đường và có giá trị không thua kém một số bài thơ Đường quen thuộc. Điều này đã được nhà thơ Quách Mạt Nhược nhận xét khi ông cho rằng, một số bài thơ của Hồ Chí Minh trong Nhật khí trong tù có thể để lẫn với thơ Đường, thơ Tống mà khó phân biệt. Đó là một lời khen về giái trị tư tưởng và nghệ thuật trong một số bài thơ của Bác do chính một nhà thơ lớn của Trung Quốc nhận xét. Không chỉ những bài trong tập Nhật khí trong tù, một vài bài thơ khác của Bác viết trong kháng chiến chống Pháp cũng thể hiện điều này, như bài "Nguyên tiêu".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua thơ ca, đã để lại cho người đọc, cho nhân dân ta nhiều bài sâu sắc. Có người cảm thấy bài học lớn nhất chính là bài học làm người, phải giữ gìn những phẩm chất cao đẹp của con người, giữ gìn sự trong sáng của tâm hồn và nhân cách dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có người lại nhận ra bài học lớn nhất là ý thức vượt qua khó khăn, gian khổ. Đường đời, đường cách mạng luôn lắm trở ngại, gian nan cần vượt qua. Thơ Người đã khích lệ, động viên và chỉ ra phương hướng vượt qua những khó khăn đấy để tiến đến đích xa. Có người còn tìm thấy trong những dòng thơ đấy là tình yêu của Bác đối với con người. Và tình yêu ấy thấm sâu, lan toả và cảm hoá để chúng ta có những phút giây như được đến gần hơn bên Người. 1 2
|