Nghe Online
Ý của câu thành ngữ này là chỉ người có y thuật cao siêu, đã cứu sống được người sắp chết.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Biển Thước xương công liệt truyện".
Thời Chiến Quốc có một danh y tên là Tần Việt Nhân, vì ông từng cứu sống được khá nhiều người sắp chết, nên người ta đều coi ông như thần y Biển Thước thời Hoàng Đế trong truyền thuyết. Một hôm, trong lúc hành y tại nước Quắc, khi ông đi ngang qua hoàng cung thì nghe tin Thái Tử đã mất vào lúc sáng sớm do chứng bệnh huyết khí bất hợp. Sau khi hỏi rõ bệnh tình, ông cho rằng vẫn còn hy vọng cứu sống, nên bèn đi thẳng vào cung .
Vị đại thần quản sự trong cung sau khi tâu với nhà vua, liền nhanh chóng đưa ông đến trước giường của Thái Tử. Ông khom người quan sát một hồi lâu, thấy Thái Tử vẫn còn hơi thở thoi thóp, hai vế đùi bên trong của Thái Tử vẫn còn chút hơi ấm, bắt mạch vẫn còn đập rất yếu ớt. Ông bèn quay lại nói: "Thái Tử mới chỉ ngất đi thôi, tôi sẽ cấp cứu ngay, may ra còn có thể cứu sống được Thái Tử". Ông nói xong bèn sai đồ đệ đưa kim châm cứu bằng vàng ra, châm cứu lên trên đầu, trên ngực và chân tay của Thái Tử. Một lát sau, Thái Tử quả nhiên thở hắt ra. Ông lại gọi đồ đệ chườm nước nóng dưới nách của Thái Tử thì Thái Tử dần dần tỉnh lại. Quốc vương và các đại thần nước Quắc thấy vậy đều vô cùng mừng rỡ, liên tiếp bày tỏ lời cảm ơn. Tần Việt Nhân nói: "Để Thái Tử sớm bình phục, tôi sẽ kê một đơn thuốc cho Thái Tử uống liền trong 20 ngày thì sẽ khỏi hẳn". Quả nhiên, sau 20 ngày dùng thuốc, Thái Tử đã khỏi hẳn bệnh. Quốc vương lại lần nữa bày tỏ cảm ơn thì Tần Việt Nhân nói: "Không phải tôi có thể khởi tử hồi sinh, mà là Thái Tử vẫn chưa chết, nên tôi mới cứu được Thái Tử".
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví với hiện tượng cứu vãn được sự việc đã mất hết hy vọng.
|