Dân tộc La-hu hiện có khoảng 411 nghìn 476 dân, chủ yếu cư trú ở khu vực Tư Mao, Lâm Thương ở lưu vực sông Lan Thương, châu tự trị dân tộc Thái Xíp-sỏng-ban-na cũng như châu tự trị dân tộc Ha-ni và dân tộc Di Hồng Hà tỉnh Vân Nam.
Dân tộc La-hu có nguồn gốc dân tộc Để và dân tộc Khương cổ đại Trung Quốc, có quan hệ chặt chẽ với dân tộc Di. Tên La-hu có nghĩa là dùng lửa nướng thịt hổ mà ăn, điều này phản ánh dân tộc La-hu từng là một dân tộc săn bắn trong lịch sử.
Tiếng dân tộc La-hu thuộc nhóm tiếng dân tộc Di nhánh tiếng Tạng-Miến ngữ hệ Hán-Tạng. Đa số đồng bào dân tộc La-hu biết nói cả tiếng Hán lẫn tiếng Thái. Một số đồng bào từng sử dụng chữ viết do cố đạo phương Tây sáng tạo trên cơ sở chữ cái La-tinh. Sau đó, trên cơ sở chữ cái vốn có, dân tộc La-hu đã sáng tạo chữ viết phiên âm và phổ biến sử dụng.
Âm nhạc và điệu múa của dân tộc La-hu đậm đà phong cách riêng và hơi thở cuộc sống, văn học truyền miệng có hình thức đa dạng. Nhạc cụ của dân tộc La-hu gồm khèn, đàn ba dây v,v. Điệu múa khèn là điệu múa truyền thống, có hơn 30-40 loại. Tết đuốc là lễ tết truyền thống.
Đồng bào thích mặc áo đen:
Đồng bào dân tộc La-hu thích màu đen nhất, coi màu đen là cái đẹp. Thích mặc áo đen là một đặc điểm của trang phục dân tộc La-hu. Cho đến nay, đồng bào vẫn thích mặc trang phục truyền thống. Thông qua trang phục dân tộc La-hu, chúng ta có thể hiểu biết dân tộc Để và dân tộc Khương cổ đại ăn mặc như thế nào. Theo tư liệu nhà Đường, phụ nữ dân tộc Để và dân tộc Khương cổ đại thích mặc áo đen, quần áo dài đến mặt đất. Phụ nữ dân tộc La-hu thích quấn khăn màu đen với chiều dài 30 cen-ti-mét trên đầu, đuôi khăn để xuống tới lưng. Ở một số nơi, phụ nữ có thói quen buộc cổ chân bằng vải đen. Họ thêu các đồ án nhiều màu trên quần áo màu đen, khiến mọi người cảm thấy trang trọng lộng lẫy.
Đàn ông dân tộc La-hu ở huyện Lan Thương đội mũ may bằng 6-8 tấm vải đen xanh hình tam giác ba cạnh đều, dưới mũ viền một dải màu xanh da trời, chóp mũ đính một cái tua nhiều màu dài khoảng 15 cen-ti-mét. Một số đàn ông không đội mũ, mà đội khăn đen trên đầu. Phụ nữ mặc áo thêu viền đăng-ten, và đội khăn đen trên đầu.
Thịt nướng và chè nướng:
Dân tộc La-hu từng trải qua giai đoạn đời sống sắn băn lâu dài. La-hu có nghĩa là dùng lửa nướng thịt hổ mà ăn. Tên dân tộc La-hu phản ánh họ từ lâu đã có tập tục ăn thịt nướng. Hiện nay, dân tộc La-hu vẫn giữ thói quen ăn thịt nướng, phương pháp chế biến như sau: dùng hai cái que tre cặp miếng thịt ướp muối và các loại gia vị, rồi để trên bếp lửa nướng từ từ. Thịt nướng màu vàng, mùi thơm, rất ngon miệng.
Các loại thức ăn muối là thức ăn đặc biệt của dân tộc La-hu, chẳng hạn thịt muối, đậu phụ muối, đậu muối, rau giầm, măng chua v,v. Món ăn đặc sắc nhất được chế biến như sau: đập vỡ xương thú, thêm các loại gia vị như muối, ớt, hồi hương v,v, rồi để vào vại, mấy tháng sau mới lấy ra ăn.
Uống chè nướng là một thị hiếu của đồng bào dân tộc La-hu. Họ cho chè vào ấm, để ấm chè lên bếp lửa nướng đến mức hơi cháy, rồi thêm nước sôi vào, ngửi thấy ngay mùi thơm của chè. Họ mỗi lần chỉ uống một chén. Nếu có khách đến thăm, họ sẽ tiếp khách bằng chè nướng. Chủ nhà uống ấm đầu tiên, khách uống ấm thứ hai. Chủ nhà uống ấm đầu tiên bày tỏ trong nước chè không có chất độc, khách có thể yên tâm mà uống. Và ấm thứ hai có mùi vị thơm ngon nhất, nên dành cho khách.
Đồng bào dân tộc La-hu còn thích uống rượu. Họ có thói quen có rượu nhất thiết phải uống, uống rượu nhất thiết phải hát. Hiện nay, vào lễ tết, họ luôn mời đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Ha-ni, dân tộc Bu-răng xung quanh cùng dự tiệc, ăn cơm đoàn kết các dân tộc.
Tết lớn tết nhỏ:
Tết Nguyên Đán âm lịch cũng là tết mừng năm mới của dân tộc La-hu, nhưng họ ăn tết lớn và tết nhỏ.
Tết lớn cũng được gọi là Tết đàn bà, Tết nhỏ được gọi là Tết đàn ông. Truyền thuyết kể rằng, vào lễ tết, đàn ông đi săn bắn chưa về. Khi đàn ông mang thịt thú về, tết đã qua. Để khao đàn ông mang về nhiều thịt thú, bản làng tổ chức ăn tết lần nữa, tết này được gọi là Tết nhỏ.
Tết lớn kéo dài bốn ngày từ mồng một đến mồng bốn tháng giêng. Vào đêm giao thừa, mọi người tắm, giã gạo nếp làm bánh dày, hát bài mừng năm mới. Rạng sáng mồng một, khi gà gáy lần đầu tiên, mọi gia đình mang hồ lô hoặc ống tre đi suối lấy nước năm mới. Mọi người tin rằng, gia đình nào lấy được nước sạch năm mới, thì lúa của gia đình sẽ chín trước. Buổi tối mồng một, dân làng sum họp, múa điệu múa khèn, hát bài gửi lời chúc phúc. Trong ba ngày từ mồng hai đến mồng bốn, người thân thăm nhau chúc mừng năm mới và tặng quà. Vào mồng năm, đàn ông ở bản làng tập trung lại, chặt thân cây ra một mảng rồi vẽ đồ án chim thú lên đó, mọi người bắn một viên đạn hoặc một mũi tên vào tấm gỗ cách 30-40 mét, để dự đoán săn bắn được nhiều hay không. Hôm sau, đàn ông bắt đầu đi săn bắn.
Trong 3 ngày từ mồng chín đến 11 là thời gian ăn tết nhỏ. Dân làng mặc quần áo mới, múa theo nhịp tiếng chiêng và tiếng trống, đón chào thần phúc giảng thế. Họ hát muá thâu đêm. Mười hai tháng giêng là ngày cuối cùng của tết. Sau ngày 12, đồng bào dân tộc La-hu bắt đầu bận rộn làm vụ lúa xuân.
|