Dân tộc Kơ-lao phân tán cư trú ở miền tây tỉnh Quý Châu, một ít đồng bào cư trú ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam. Theo con số thống kê năm 1990, dân tộc Kơ-lao có 437 nghìn 997 dân.
Dân tộc Kơ-lao có tiếng nói của mình, nhưng tiếng dân tộc Kơ-lao ở các nơi khác nhau rất lớn. Tiếng dân tộc Kơ-lao thuộc Ngữ hệ Hán-Tạng. Hiện nay, chỉ có khoảng 1/4 đồng bào dân tộc Kơ-lao biết nói tiếng dân tộc Kơ-lao, tiếng Hán đã trở thành phương tiện giao tiếp của đồng bào dân tộc Kơ-lao. Một số đồng bào dân tộc Kơ-lao còn biết nói tiếng dân tộc Mèo, tiếng dân tộc Di hoặc tiếng dân tộc Bu-y. Dân tộc Kơ-lao không có chữ viết của mình, thông dụng chữ Hán. Dân tộc Kơ-lao tin theo đa thần, sùng bái tổ tiên.
Đồng bào dân tộc Kơ-lao chủ yếu làm nghề nông, có nghề rèn sắt khá phát triển. Vì sống tạp cư với dân tộc Hán lâu dài, phong tục tập quán của dân tộc Kơ-lao hơi giống phong tục tập quán của dân tộc Hán địa phương. Dân tộc Kơ-lao có ngày lễ giống với dân tộc Hán, tết Nguyên Đán là ngày tết long trọng nhất của họ.
Điều kiêng kỵ của dân tộc Kơ-lao như sau: ngày thường không được đứng hoặc ngồi trước cửa nhà; người khác không được bước vào nhà đang có phụ nữ sinh nở hoặc có việc tang; phụ nữ đẻ con xong chưa đầy 40 ngày không được bước qua ngưỡng cửa, và không được đến giếng lấy nước.
Thói quen ăn uống ngày thường: thực phẩm chế biến từ gạo nếp là một trong những thực phẩm đồng bào dân tộc Kơ-lao thích nhất. Đồng bào thường dùng gạo nếp làm bánh dày. Khi ăn, cho thêm mật ong, đường đỏ, đường kính và vừng v,v. Đồng bào dân tộc Kơ-lao thích ăn rau dầm và rau muối, chứ không thích ăn rau tươi, ví dụ, dùng rau cải, ớt, tỏi và gừng làm rau dầm vừa chua vừa cay. Về thịt, đồng bào chủ yếu ăn thịt lợn, thịt dê, thịt bò và thịt ngựa. Món ăn đặc sắc của dân tộc Kơ-lao là xương cay, cách làm là cho xương lợn, thịt gà với rất nhiều ớt bột vào cối giã, thêm các loại gia vị là được. Món xương cay vừa có thể dùng riêng để nấu canh, vừa có thể cùng với các thứ khác làm thành các loại món ăn đặc sắc. Đồng bào dân tộc Kơ-lao giỏi về cất rượu bằng ngô, cây cao lương và gạo, thường tặng rượu cho người thân và bạn bè.
Thói quen ăn uống trong ngày lễ và ngày tế: Dân tộc Kơ-lao có ngày tết truyền thống giống với dân tộc Hán, chẳng hạn: tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, tết tháng bẩy và tết Trung Thu. Bánh dày làm bằng gạo nếp là thực phẩm không thể thiếu được trong các hoạt động mừng tết. Khi ăn tết, nhà nào nhà nấy dùng gạo nếp làm một chiếc bánh dày thật to, để trong mẹt hoặc đĩa gỗ cúng tế tổ tiên, ba hôm sau mới được ăn. Tết ngưu vương mồng một tháng mười âm lịch là tết chỉ có ở dân tộc Kơ-lao. Cứ đến ngày tết này, đồng bào dân tộc Kơ-lao địa phương làm thịt chim, chuẩn bị rượu để cúng tế thần bò, cầu mong thần bò phù hộ trâu bò to khoẻ, nhà nào nuôi trâu bò đều để trâu bò nghỉ, và ăn thức ăn gia súc tốt nhất, làm hai cái bánh dày bằng gạo hạng nhất treo trên hai bên sừng, rồi kéo trâu bò đến bờ sông, để trâu bò "soi gương", khiến nó vui vẻ hân hoan, rồi lấy bánh dày cho nó ăn.
Đồng bào dân tộc Kơ-lao nhiệt tình hiếu khách, mỗi khi có người thân bạn bè sum họp, đều tặng rượu cho nhau; có việc mừng hoặc đến tết, rượu là một thứ không thể nào thiếu được. Khi thanh niên nam nữ kết hôn, nhà trai mời người làm mối mang gà, rượu và những thứ lễ khác đến tặng nhà gái, nếu nhà gái chấp nhận, coi như hai nhà đã kết thành thông gia.
|