Nghe Online
Năm 1965, Khu tự trị Tây Tạng thành lập. Nếu đồng bào sống ở mảnh đất Tây Tạng ra đời vào năm 1965 là năm Khu tự trị thành lập, thì năm nay họ đã tròn 40 tuổi. Bốn mươi tuổi là thời kỳ hoàng kim trong cuộc đời, những người tròn 40 tuổi đang hưởng cuộc sống gia đình đầm ấm hạnh phúc và sự nghiệp phát đạt. Để giúp quý vị và các bạn tìm hiểu Tây Tạng, tìm hiểu tình hình những người sống ở mảnh đất này trong 40 năm qua, Ban biên tập Đài chúng tôi đã phỏng vấn những nhân vật tròn 40 tuổi ở các ngành nghề để giới thiệu tình hình làm ăn và cuộc sống của họ.
Anh No-bu Ten-den là một nông dân bình thường ở huyện Bạch Lãng khu vực Ri-ka-che miền nam Tây Tạng. Mấy năm trước, anh No-bu Ten-den xây dựng một nhà máy chế biến bánh làm bằng bột thanh khoa ở địa phương, và tạo lập nên một nhãn hiệu ai ai cũng biết.
Huyện Bạch Lãng có ruộng đất màu mỡ, nước mưa dồi dào, là khu vực sản xuất lương thực quan trọng của Khu tự trị Tây Tạng. Tuy cây thanh khoa trồng ở đây nổi tiếng về chất lượng tốt, nhưng gia đình anh No-bu Ten-den do đất ít, lao động ít, chỉ dựa vào thu nhập làm ruộng thì cuộc sống gia đình rất túng bấn. Để cuộc sống sung túc hơn, anh No-bu Ten-den từng ra ngoài làm việc, từng vay tiền mua xe tải lớn làm vận tải, nhưng vẫn chưa thể nâng cao mức sống của cả gia đình.
Sau đó, anh No-bu Ten-den quay ra làm buôn bán nhỏ, bán một số đồ dùng hàng ngày ở làng và ở huyện. Nhưng, khách hàng chỉ trả bằng thanh khoa sản xuất nhiều ở địa phương.
Khi anh đang lo việc bán thanh khoa, thì ngẫu nhiên được biết nghề làm bánh thanh khoa đang phát triển ở nhiều địa phương khác ở Tây Tạng. Là thức ăn chính của dân tộc Tạng, bánh thanh khoa chế biến từ bột thanh khoa, khi ăn thêm bơ hoặc nước và đường. Cách làm bánh thanh khoa truyền thống là dùng cối xay đá xay thanh khoa thành bột trước, nhưng làm như vậy mất nhiều thời gian và lao động. Còn nghề làm bánh thanh khoa hiện đại thì dùng động cơ kéo cối xay đá, tiết kiệm rất nhiều lao động.
Sau khi được biết tin này, anh No-bu Ten-den nghĩ rằng, bánh thanh khoa có tiềm năng thị trường rất lớn, huyện Bạch Lãng—quê anh là nơi sản xuất nhiều thanh khoa chất lượng cao nổi tiếng, nghề làm bánh thanh khoa là một nghề đầu tư ít, thu được hiệu quả kinh tế nhanh.
Năm 1999, anh No-bu Ten-den xây dựng một nhà máy chế biến bánh thanh khoa tại địa phương với nhãn hiệu sản phẩm là "Lua-đan". Nhưng sáng lập sự nghiệp không phải là việc dễ. Vì thiếu kinh nghiệm, ban đầu bánh thanh khoa do nhà máy anh chế biến không ngon, không có người mua, và lãng phí rất nhiều bột thanh khoa.
Thông qua không ngừng rút kinh nghiệm, 2 năm sau, anh No-bu Ten-den giành được thành công. Khi nhớ lại tình hình ban đầu, anh rất có cảm xúc nói:
"Tôi cho rằng, có chí ắt làm nên. Thông qua không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, khi tôi bán bánh thanh khoa ở thị trường Ri-ka-che, bán chạy lắm. Khách hàng khen bánh thanh khoa của mình rất ngon. Sản phẩm của mình được khách hàng hoan nghênh, tôi rất vui."
Sau đó, nhà máy chế biến bánh thanh khoa của anh No-bu Ten-den ngày càng thịnh vượng. Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, anh nghiên cứu rất tỉ mỉ các công đoạn chế biến và phương thức kinh doanh, và giải quyết những vấn đề tồn tại. Điều đáng nói là, anh còn tự mình thiết kế và chế tạo hàng loạt thiết bị chế biến, không những tiết kiệm vốn mua thiết bị, mà còn nâng cao hiệu suất sản xuất đáng kể.
Sau khi làm giàu bằng việc xây dựng nhà máy chế biến bánh thanh khoa, anh No-bu Ten-den chưa bao giờ quên bà con trong làng. 90% công nhân trong nhà máy của anh đều đến từ gia đình nghèo khó. Theo con số thống kê, trong thu nhập hàng năm của đồng bào địa phương, có 270 nghìn tệ thu từ nhà máy chế biến bánh thanh khoa của anh No-bu Ten-den. Ngoài ra, khi thu mua thanh khoa, anh No-bu Ten-den luôn thu mua ở huyện nhà theo giá nhà nước trước. Ông Tông Đa-oa, Huyện trưởng huyện Bạch Lãng đánh giá tích cực cách làm của anh No-bu Ten-den, ông nói:
"Nhà máy của anh No-bu Ten-den luôn thu mua thanh khoa của bà con nông dân lân cận với số lượng lớn theo giá nhà nước, và thuê nông dân nghèo làm công nhân trong nhà máy. Năm ngoái, thu nhập đầu người của huyện Bạch Lãng là 1970 tệ, và thu nhập bình quân của công nhân trong nhà máy chế biến của anh No-bu Ten-den là 3400 tệ. Cho nên, có thể nói anh đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc nâng cao thu nhập của nông dân trong làng và trong huyện cũng như phát triển kinh tế ở làng và ở huyện."
Sau mấy năm kinh doanh, hiện nay, nhà máy chế biến của anh No-bu Ten-den đã từ một nhà máy nhỏ với mấy công nhân làm bằng thủ công phát triển thành một doanh nghiệp tư nhân với 70 công nhân và tổng kim ngạch tiêu thụ hàng năm vượt quá 2,3 triệu tệ. Gần đây, cơ quan hữu quan của nhà nước đã cấp giấy chứng nhận xuất khẩu cho bánh thanh khoa "Lua-đan" do nhà máy anh sản xuất, như vậy có thể nói bánh thanh khoa nhãn hiệu "Lua-đan" đã có "giấy thông hành" tiến vào thị trường quốc tế. Anh No-bu Ten-den nói, anh tin tưởng vào sự phát triển của nhà máy trong tương lai.
Trải qua mấy năm nghiên cứu, chuyên gia nông nghiệp đã chứng thực, bánh thanh khoa có tác dụng điều trị quan trọng như giảm mỡ trong máu và giảm cô-lét-xtê-rôn, nâng cao khả năng miễn dịch v,v, cho nên bánh thanh khoa—thức ăn chính truyền thống của dân tộc Tạng đang được ngày càng nhiều người biết đến và chấp nhận. Anh No-bu Ten-den nói, anh có lòng tin mở rộng hơn nữa thị trường bánh thanh khoa.
|