Vài nét về Đài phát thanh quốc tế Trung QuốcBan tiếng Việt Nam

Dự Báo Thời Tiết
China Radio International
Thời sự Trung Quốc 
Thời sự Quốc Tế 
  Đời sống kinh tế 
  Đời sống xã hội 
  Hộp thư Ngọc Ánh

Khoa học-Đời sống

Thế giới phụ nữ

Vườn văn hóa

Câu chuyện cuối tuần

Truyện thành ngữ Trung Quốc
(GMT+08:00) 2005-01-31 11:05:09    
Các dân tộc thiểu số ở miền tây nam Trung Quốc dùng điệu múa bày tỏ cảm thụ về cuộc sống

cri

Nghe Online

Đồng bào dân tộc Li-su thông qua nhảy điệu múa mô phỏng hình dáng và động tác của con dê để bày tỏ lòng biết ơn tự nhiện cũng như tình cảm chất phác yêu thích cuộc sống và hướng về tự nhiện của họ. Điệu múa này gọi là "A-chư-mu-qua" với đặc điểm là không đệm bằng nhạc cụ, từ đầu đến cuối đều nhảy theo tiết tấu của bài hát. Như dân tộc Li-su, các dân tộc thiểu số sống ở miền tây nam Trung Quốc như dân tộc Tạng, dân tộc Na-xi và dân tộc Bạch đều hát hay múa giỏi, và thông qua nhảy múa để bày tỏ tình cảm yêu thích cuộc sống của họ.

Điệu múa đàn là một điệu múa các dân tộc thiểu số ở Châu tự trị dân tộc Tạng Đích Khánh tỉnh Vân Nam miền tây nam Trung Quốc thích nhất. Khi nhảy điệu múa này, nam nữ vây thành một hình tròn, và múa theo tiết tấu bản nhạc. Đàn dùng trong điệu múa này là một loại nhị đồng bào địa phương tự phát minh, khi nhảy múa, đàn ông đeo chiếc đàn trên lưng dẫn dắt mọi người cùng nhảy, những người tham gia điệu múa khi thì giãn ra, khi thì co lại, kẻ xướng người họa, tiếng hoan hô vang dậy, cảnh tượng rất truyền cảm.

Điệu múa đàn là một phương thức bày tỏ tình cảm quan trọng của đồng bào địa phương. Đi làm về hoặc ăn cơm xong, khi nào muốn nhảy, dù người nhiều hay ít, sân rộng hay hẹp, là có thể nhảy. Điệu múa phần lớn mô phỏng hình dáng và động tác của động vật, ví dụ, con công uống nước, con thỏ chạy nhanh v,v, đậm đà hơi thở cuộc sống.

Huyện Đức Khâm thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Đích Khánh tỉnh Vân Nam được gọi là quê hương của nghệ thuật đàn. Đa số dân tộc thiểu số sống ở đây như dân tộc Tạng, dân tộc Li-su, dân tộc Na-xi và dân tộc Hồi thường xuyên sum họp nhảy điệu múa đàn. Ông A-bu-xi-nam, tác giả dân tộc Tạng người địa phương cho phóng viên biết:

"Điệu múa đàn nói chung bao gồm ba nội dung. Nội dung thứ nhất là điệu múa đón khách và điệu múa gặp nhau bày tỏ lòng hoan nghênh, cảm ơn và ca ngợi; nội dung thứ hai là điệu múa ca tụng bày tỏ lòng tôn trọng người bậc trên và yêu quê hương; nội dung thứ ba là điệu múa tình yêu bày tỏ tình cảm hâm mộ nhau của thanh niên nam nữ."

So với điệu múa đàn tuỳ hứng và có nhiều người tham gia, điệu múa Rê-ba có vẻ cao quý và thiêng liêng. Điệu múa này bắt nguồn từ nghi lễ cúng tế ở bộ tộc nguyên thủy, đã có hàng nghìn năm lịch sử. Khi biểu diễn, phụ nữ đội mũ hình hoa sen trên đầu, mặc váy màu, buộc chuông đồng trên lưng, tay trái cầm trống hình mặt trời hoặc mặt trăng, tay phải cầm dùi cong; đàn ông mặc áo dài, buộc khăn Ha-đa màu trắng hoặc màu vàng, đi bốt, cầm cái phất trần làm bằng đuôi bò y-ắc và trống bỏi trong tay. Mọi người nhảy theo tiếng hát bay bổng và ngân vang cổ xưa. Khi tiết tấu chậm lại, chuông và trống vang lên, tiếng hát như từ nơi xa xôi truyền đến, điệu múa thì nhẹ nhàng như nước suối chảy trong rừng sâu; khi tiết tấu dồn dập, tiếng trống vang dội như nước chảy cuồn cuộn, điệu múa mạnh mẽ và phóng khoáng.

Điệu múa Rê-ba chủ yếu thịnh hành ở khu vực có đồng bào dân tộc Tạng tập trung cư trú như tỉnh Vân Nam, tỉnh Tứ Xuyên và Khu tự trị Tây Tạng ở miền tây nam Trung Quốc, trong đó điệu múa Rê-ba ở thị trấn Tháp Thành—một thị trấn nhỏ thuộc Huyện tự trị dân tộc Li-su Duy Tây tỉnh Vân Nam nổi tiếng nhất. Chị Y Quỳnh Lệ người dân tộc Tạng chuyên nghiên cứu về điệu múa Rê-ba cho biết, nếu phân chia theo tác dụng, thì điệu múa Rê-ba có thể chia thành ba loại, điệu múa Rê-ba cổ điển do bà đồng cốt biểu diễn, điệu múa Rê-ba do nghệ sĩ dân gian biểu diễn và điệu múa Rê-ba thương mại chuyên để biểu diễn. Hai hình thức biểu diễn sau có mục đích thương nghiệp rõ ràng, nên hấp thu rất nhiều nguyên tố thời đại, động tác hơi hoa hoét. Còn điệu múa Rê-ba thịnh hành ở thị trấn Tháp Thành chỉ biểu diễn trong ngày tết tôn giáo và những khi bị hạn hán, lũ lụt hoặc bệnh dịch, chủ yếu nhằm mục đích cầu xin đức phật phù hộ cả làng bình yên, súc vật khoẻ mạnh và được mùa, nên còn giữ được bản chất của điệu múa Rê-ba cổ điển.

Ở thị trấn Tháp Thành, đồng bào dân tộc Tạng đông nhất, ngoài ra còn có đồng bào dân tộc Na-xi, dân tộc Bạch và dân tộc Li-su. Chị Y Quỳnh Lệ nói, mỗi gia đình ở thị trấn Tháp Thành đều có trang phục và đạo cụ chuyên môn, và mỗi người đều thích nhảy điệu múa Rê-ba. Đối với họ, nhảy điệu múa Rê-ba không những là một hình thức giải trí, mà còn là một nghi lễ tôn giáo. Thông qua hình thức này, họ có thể đối thoại với thần linh mà họ tin theo.

Ngoài thông qua hình thức nhảy múa để bày tỏ lòng sùng bái đối với tự nhiên và thần linh ra, múa còn là một hình thức để bày tỏ tình cảm vui mừng buồn phiền của một số dân tộc thiểu số. Dân tộc Tạng và dân tộc Khương sống ở tỉnh Tứ Xuyên miền tây nam Trung Quốc hay nhảy điệu múa bếp để bày tỏ vui mừng của họ. Bếp được kê bằng 3 cột đá thấp, đồng bào sống ở đó nấu cơm trên bếp đó. Vì khu vực đó có mùa đông hơi dài, lại khá rét, nên bếp và phòng ngủ đặt chung một chỗ. Bếp đặt giữa phòng, và dùng để đun nước nấu cơm. Giường đặt bên cạnh bếp. Ăn xong, hứng lên, mọi người nhảy múa quanh bếp. Đây là nguồn gốc của điệu múa bếp.

Cây lau đong đưa trước gió, bèo lay động trong bể, con công dạo bước trên rừng, loài người cày cấy trên ruộng, những cảnh tượng đẹp đẽ này đều trở thành nguyên tố điệu múa của dân tộc thiểu số ở miền tây nam Trung Quốc. Khi thưởng thức điệu múa của họ, mọi người sẽ cảm thấy loài người và tự nhiên chung sống rất hài hoà.