Dân tộc Bảo An tin theo Đạo I-xlam, có phong tục tập quán giống với dân tộc Hồi địa phương. Năm 1950, theo nguyện vọng của đồng bào, đặt tên là dân tộc Bảo An. Dân tộc Bảo An chủ yếu sống rải rác tại làng Đại Hà Gia và Liệt Tập ở huyện tự trị dân tộc Bảo An, dân tộc Đông Hương, dân tộc San-ra Tích Thạch Sơn tỉnh Cam Túc miền tây bắc Trung Quốc. Tính đến năm 1990, dân tộc Bảo An có hơn 12 nghìn dân.
Tiếng dân tộc Bảo An thuộc nhóm tiếng dân tộc Mông Cổ ngữ hệ A-lơ-thai. Đồng bào dân tộc Bảo An thông dùng chữ Hán.
Ngành buôn bán chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Bảo An. Chợ Đại Hà Gia có hàng trăm năm lịch sử hết sức náo nhiệt, là trung tâm tập trung và phân tán hàng hóa nối liền tỉnh Thanh Hải và tỉnh Cam Túc. Dao đeo lưng nổi tiếng của dân tộc Bảo An có hơn 30 loại và hơn một trăm năm lịch sử, bán chạy khắp các khu vực tây bắc, và được đồng bào dân tộc Tạng rất yêu thích.
Dân tộc Bảo An vẫn bảo tồn một số thói quen của dân tộc du mục giống dân tộc Mông Cổ, chẳng hạn như, đồng bào dân tộc Bảo An thích vật, giỏi cưỡi ngựa và bắn tên v,v. Dân tộc Bảo An lấy cơm và mì làm thức ăn chính, ăn thịt bò và thịt dê, kiêng ăn thịt lợn,thịt ngựa, thịt lừa, thịt chó và mọi thứ thịt thú và chim hung dữ.
Đồng bào dân tộc Bảo An nói chung lựa chọn ngày thứ 6—ngày làm lễ theo lịch đạo I-xlam tổ chức đám cưới tại nhà gái. Hằng năm đồng bào dân tộc Bảo An ăn tết Ít An-phít, tết Ít An-át-ha và những ngày tết tôn giáo khác.
Ngày 30 tháng 9 năm 1981, Huyện tự trị dân tộc Bảo An, dân tộc Đông Hương, dân tộc San-ra Tích Thạch Sơn tỉnh Cam Túc thành lập.
Thói quen ăn uống ngày thường:
Thức ăn ngày thường của dân tộc Bảo An có cơm và mì, phần lớn đồng bào chủ yếu ăn thức ăn chế biến từ mì, ăn thịt bò, thịt dê, thịt gà, thịt vịt và cá; đồng bào coi món thịt dê bốc tay là món ăn ngon nhất. Ngoài ra, đồng bào dân tộc Bảo An cho rằng cháo chim bồ câu rất bổ cho ngũ tạng, thường được coi là món ăn thuốc bổ cho người mới khỏi bệnh và sức khoẻ yếu. Chè là đồ uống cần thiết trong cuộc sống ngày thường của đồng bào dân tộc Bảo An. Dân gian rất cầu kỳ về uống chè, nói chung uống chè bánh, chè Đà vào mùa đông, uống chè xanh Thiểm Tây và chè đầu xuân vào mùa hè.
Thói quen ăn uống vào ngày tết và ngày lễ:
Giống với các dân tộc khác tin theo Đạo I-xlam, dân tộc Bảo An ăn tết Ít An-phít, tết Ít-át-ha v,v. Trong những ngày tết, mỗi gia đình đều mổ bò, dê, gà và vịt. Tiệc thịt dê là yến tiệc long trọng nhất. Khi thanh niên nam nữ lấy nhau, do nhà trai mở tiệc chiêu đãi khách khứa theo thói quen, nhưng cô dâu không được ăn cơm nhà trai trong 3 ngày đầu tiên, mà là ăn cơm do nhà gái đưa đến, để tỏ lòng không bao giờ quên ơn nuôi dạy của bố mẹ. Trong ngày tết hoặc ngày vui, không những rất cầu kỳ về món ăn, mà uống chè cũng khác hẳn với ngày thường, khi đó phải thêm đường phèn và nhãn khô vào bát chè, gọi là chè Tam Hương; có khi còn thêm hạnh khô và nho khô, chè này được gọi là chè Ngũ Hương, thậm chí còn phải lựa chọn bộ đồ chè hạng tốt.
|