Vài nét về Đài phát thanh quốc tế Trung QuốcBan tiếng Việt Nam

Dự Báo Thời Tiết
China Radio International
Thời sự Trung Quốc 
Thời sự Quốc Tế 
  Đời sống kinh tế 
  Đời sống xã hội 
  Hộp thư Ngọc Ánh

Khoa học-Đời sống

Thế giới phụ nữ

Vườn văn hóa

Câu chuyện cuối tuần

Truyện thành ngữ Trung Quốc
(GMT+08:00) 2005-01-10 19:02:16    
Đồng bào dân tộc Mãn ở Bắc Kinh yêu thích văn nghệ dân gian

cri

Nghe Online

Điệu hát mang đậm phong cách Bắc Kinh đệm bằng trống bát giác đã truyền khắp các đường phố Bắc Kinh hàng trăm năm nay, hiện nay, rất nhiều cụ già dân tộc Mãn ở Bắc Kinh vẫn thích điệu hát đệm bằng trống bát giác, coi đó là một niềm vui.

Trống bát giác là một loại nhạc cụ nhỏ có 8 cánh. Tuy nhỏ nhưng nó có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì trống này được làm riêng để trình bày điệu hát này. Ông Trương Vệ Đông, diễn viên Đoàn Côn Khúc Bắc Kinh, hiểu rõ lai lịch của trống bát giác. Ông cho biết hình dáng trống bát giác có ý nghĩa đặc biệt. Ông nói:

"Tám cánh tượng trưng tám kỳ; da trăn phủ kín mặt trống tượng trưng đất nước thống nhất; mỗi cánh có 3 chũm chọe nhỏ, tượng trưng ba dân tộc Mãn, Mông Cổ và Hán; dưới có tua, tượng trưng được mùa."

Ở Bắc Kinh, các cụ gọi đồng bào dân tộc Mãn là "Kỳ Nhân", đồng bào dân tộc Mãn ở Bắc Kinh cũng tự xưng mình là "Kỳ Nhân". Xưng hô này có nguồn gốc sâu xa. Hơn 300 năm về trước, dân tộc Mãn thành lập nhà Thanh—vương triều phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc. Để quản lý nhà nước tiện lợi hơn, giai cấp thống trị nhà Thanh chia dân tộc Mãn thành 8 "Kỳ". "Kỳ" là một loại hình biên chế giống quân đội. Sau khi nhập kỳ, khi xẩy ra chiến tranh, dân tộc Mãn là binh lính; ngày thường là bình dân. Đồng bào dân tộc Mãn sinh sống trong 8 kỳ, nên được gọi là "Kỳ Nhân" hoặc "con cháu Bát Kỳ".

Sở dĩ nhắc đến "Kỳ Nhân", là vì đầu nguồn nghệ thuật dân gian của dân tộc Mãn ở Bắc Kinh bắt đầu từ điệu hát của các binh lính đóng ở doanh trại bát kỳ. Nghe nói, binh lính đóng tại biên giới nhiều năm, vì cuộc sống buồn tẻ, họ hát những bài hát tự sáng tác để đỡ buồn đỡ nhớ quê hương. Sau khi trở về Bắc Kinh, con cháu Bát Kỳ vẫn hát những bài hát hồi chinh chiến ở phương xa. Sau đó những bài hát này truyền vào cung, nhà vua rất thích, và cho phép con cháu Bát Kỳ hát, và ra văn bản chính thức cho phép thành lập nhóm trình diễn. Nhưng không được tổ chức buổi biểu diễn để kiếm lời, và không được ảnh hưởng tới công tác chính.

Cho đến nay, đồng bào dân tộc Mãn ở Bắc Kinh vẫn tuân theo quy định của nhà vua triều đình nhà Thanh ban bố hơn 150 năm về trước. Họ thành lập đoàn thể, nhưng chỉ nhằm mục tích giải trí, trao đổi tài nghệ biểu diễn với nhau, mà coi nhẹ đồng tiền danh lợi.

Một buổi chiều đẹp trời, Duy Hoa đến phía bắc thành phố Bắc Kinh thăm một đoàn thể như vậy tại phòng văn hóa ở một chung cư. Giữa phòng có một chiếc bàn trải sa tanh đỏ, trên có 9 chữ lớn thêu bằng chỉ vàng là "Nghê thường tục vịnh tử đệ bát giác cổ". "Nghê thường tục vịnh" là tên của đoàn thể này, nghĩa là "mặc áo đẹp như cầu vồng mà hát bài hát do tổ tiên để lại". Mới nghe thấy tên này, đã thấy cảm giác hoài cổ nổi lên. Các thành viên trong đoàn đều là đồng bào dân tộc Mãn, tức là "con cháu Bát Kỳ", cho nên buổi biểu diễn được gọi là "Tử đệ bát giác cổ".

Trong phòng có hơn 20 người, đều là các cụ 60, 70 tuổi. Các cụ chào nhau nhiệt tình, lễ phép, thể hiện rõ đặc điểm coi trọng lễ phép của đồng bào dân tộc Mãn ở Bắc Kinh.

Theo tiếng trống dồn dập, buổi biểu diễn bắt đầu. Duy Hoa nhìn thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ tay gõ trống bát giác hát say sưa. Nhìn sang người đệm đàn là một cụ già mù loà. Cụ gẩy đàn ba dây, động tác thuần thục, phối hợp rất ăn ý với cụ đang hát.

Tiếng hát vừa dứt, trong phòng đã rộ lên tiếng hoan hô. Trong tiếng hoan hô có khen ngợi, cổ vũ, có cả sự kính phục. Cụ già vừa hát tên là Tôn Liên Quý, Kỳ Nhân ở Bắc Kinh, năm nay 81 tuổi, cao tuổi nhất trong các cụ. Cụ Quý nói, khi còn trẻ, niềm vui lớn nhất của cụ là nghe và hát điệu hát này. Hiện nay tuổi đã cao, nhưng vẫn không thể bỏ niềm vui này.

Điệu hát trống bát giác ra đời hơn một trăm năm về trước, có lẽ không phù hợp với sở thích của lớp trẻ hiện nay. Nhưng cũng có thanh niên yêu thích môn nghệ thuật cổ này, họ không những thích nghe, mà còn tôn những nghệ nhân này làm thầy.

Văn nghệ dân gian cổ truyền có người kế thừa, quả thật đáng mừng. Duy Hoa nhìn thấy trong phòng có mấy bạn trẻ hơn 20 tuổi đang chăm chú nghe, vừa gõ nhịp vừa say sưa hát theo. Ngay sau đó, một thanh niên tân thời mặc áo thể thao bước lên sân khấu, cầm trống bát giác đánh rất thành thạo, tiếng hát trong trẻo vui tai.

Nghe giọng hát khỏe khoắn, mạnh mẽ này, Duy Hoa xúc động nghĩ, chính bởi tình yêu và nhiệt tình của những bậc cao niên dân tộc Mãn ở Bắc Kinh, nghệ thuật cổ xưa này mới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và trở thành nốt nhạc vui tai của thành phố Bắc Kinh.