Nghe Online
Chữ Mạc ở đây là chỉ dùng tay sờ, còn Lăng là chỉ Lăng giác, tức củ gấu. Ý của câu thành ngữ này dùng tay sờ vào củ gấu, đầu nào cũng được. Nó dùng để chỉ người làm việc với thái độ rất mơ hồ, muốn làm thế nào cũng được.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Cựu Đường thư – Truyện Tô Vị Đạo".
Tô Vị Đạo là một nhà văn thời nhà Đường, được nữ hoàng Võ Tắc Thiên phong làm tể tướng. Ông là một người rất khôn lỏi, sống không mưu cầu công danh, chỉ mong mình không phạm tội, giữ nguyên chức quan của mình là được
Nhưng sự đời cũng chẳng khiến ông do đó mà tránh được tai họa. Ban đầu, ông bị dính líu tới một vụ án mà bị miễn chức, sau đó lại được phục hồi nguyên chức, nhưng mấy năm sau ông lại phạm tội bị giam vào ngục. Nơi ông bị giam này được gọi là "Tam phẩm viện", bên trong toàn giam giữ các quan lớn từ tam phẩm trở lên, nên đãi ngộ sinh hoạt ở đây cũng rất chu đáo, có khá nhiều người vẫn thường ăn uống no say, duy chỉ có Tô Vị Đạo là hết sức cẩn thận, ông ăn uống đạm bạc, ngủ trên nền đất. Nữ hoàng Võ Tắc Thiên biết vậy lại tha cho ông và được giữ nguyên chức.
Có khá nhiều người rất không hiểu tại sao mỗi khi Tô Vị Đạo phạm tội không lâu lại được tha và giữ nguyên chức, nên mới đến hỏi ông. Ông nói: "Phàm làm việc gì thì cũng đừng nên quyết đoán một cách rõ ràng, bằng không hễ bị mắc sai lầm thì sẽ quy mình là phạm tội và bị xử phạt. Có thể nói như ta dùng tay sờ lên củ gấu, sờ vào đầu này cũng được, sờ vào đầu kia cũng được". Do đó, người ta mới gọi ông là "Tô Mạc Lăng".
Sau khi Võ Tắc Thiên lâm bệnh nặng, Trung Tông Lý Hiển lên ngôi, khôi phục lại quốc hiệu, Tô Vị Đạo bị miễn chức, ít lâu sau thì mất trên cương vị của mình. Xem ra, bí quyết "Mạc lăng lưỡng khả" của Tô Vị Đạo cũng chẳng khiến ông giữ được chức tể tướng và cũng chẳng khiến ông tránh được điều bất hạnh.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví với những người làm việc mơ hồ, thiếu chủ kiến.
|