Tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc Ha-ni tập trung cư trú ở vùng giữa sông Hồng Hà và sông Lan Thương miền nam tỉnh Vân Nam.
Dân tộc Ha-ni có ngôn ngữ của mình, nhưng không có chữ viết. Ngôn ngữ dân tộc Ha-ni thuộc nhóm ngôn ngữ dân tộc Di nhánh Tạng-Miến ngữ hệ Hán-Tạng. Thập niên 50 thế kỷ 20, dân tộc Ha-ni sáng tạo chữ viết phiên âm, nhưng chưa được phổ cập.
Phần lớn đồng bào dân tộc Ha-ni cư trú ở vùng núi có độ cao so với mặt biển từ 800 đến 2500 mét, chủ yếu làm nông nghiệp, giỏi về trồng ruộng bậc thang. Căn cứ vào địa hình và chất đất, họ lợi dụng điều kiện tự nhiên "Núi cao bao nhiêu, nguồn nước cao bấy nhiêu" để sáng tạo "văn hóa bậc thang" có hàng trăm bậc thang.
Dân tộc Ha-ni tin theo tự nhiên và tổ tiên, có văn học truyền miệng phong phú. Nam, nữ, già, trẻ đều thích mang theo nhạc cụ. Họ coi tháng 10 âm lịch là đầu năm. Tết tháng 10 và Tết tháng 6 là 2 ngày tết chủ yếu.
Truyền thuyết kể rằng, thời viễn cổ, đồng bào dân tộc Ha-ni cư trú ở hang núi, núi cao đường dốc, ra ngoài làm ruộng không tiện lắm. Sau đó họ di chuyển tới một nơi với tên là "Nhạ La". Ở đó họ nhìn thấy nấm mọc khắp đồi núi. Nấm không sợ gió và mưa, con kiến và con sâu có thể làm ổ dưới nấm. Đồng bào dân tộc Ha-ni bèn xây dựng nhà ở theo hình nấm.
Ngôi nhà hình nấm của đồng bào dân tộc Ha-ni có tường đất, khung tre và mái tranh. Ngôi nhà có 3 tầng, tầng dưới dùng để làm chuồng bò chuồng ngựa; tầng giữa trải ván, chia thàng 3 gian, gian giữa có một cái bếp hình vuông lửa cháy quanh năm; tầng trên trải đất sét, vừa để chống lửa, vừa để chứa đồ đạc. Khi khách đến thăm, chủ nhà nhiệt tình mời khách ngồi xung quanh bếp lửa, hút một điếu thuốc lào, uống một chén chè gạo nếp thơm và một bát rượu ngon. Chủ nhà còn hát bài hát chúc khách gặp nhiều may mắn để tỏ tình bằng hữu.
Ngôi nhà hình nấm nhỏ bé xinh xắn, có đặc điểm riêng. Dù mùa đông rét buốt, trong nhà vẫn ấm áp; vào mùa hè nóng bức, trong nhà mát mẻ.
Diệp Xa là một nhóm của dân tộc Ha-ni, cư trú ở núi Ai Lao miền nam tỉnh Vân Nam có mây trắng lượn lờ, ruộng bậc thang trùng điệp. Họ sống bằng trồng lúa, tiểu mạch và ngô. Phụ nữ Diệp Xa đội mũ màu trắng trên đầu, mặc áo cộc tay cổ viền không cúc màu xanh, dùng dây lưng rộng buộc lưng. Phụ nữ mặc nhiều áo, ít thì 7, 8 chiếc, nhiều thì hơn 10 chiếc. Áo trong dài hơn áo ngoài, người ta có thể đếm số áo. Đồng bào Diệp Xa cho rằng, áo càng nhiều, trang phục càng đẹp, càng thể hiện sự giàu có của gia đình. Họ mặc quần cộc màu đen, gấu quần xếp li, mặc bao nhiêu chiếc áo thì có bấy nhiêu xếp li. Dưới chân để trần. Vào ngày tết, cô gái đeo vòng bạc cổ và tay, đeo dây chuyền bạc trên cổ, đeo đồ trang sức bạc ở hai bên lưng. Khi đi bộ, các đồ trang sức chạm vào nhau, phát ra tiếng, khiến cô gái dân tộc Diệp Xa có phong cách đặc biệt.
Theo lịch pháp cổ của dân tộc Ha-ni, Ngày rồng đầu tiên của tháng 10 âm lịch hằng năm là ngày đầu tiên của năm mới. Hôm đó, mọi bản làng dân tộc Ha-ni đều đặt tiệc rượu ở trung tâm bản làng, tất cả dân làng cùng tham gia, luân phiên uống rượu, cùng chúc mừng ngày tết tượng trưng đoàn kết, hòa mục, tốt lành và hạnh phúc của họ. Bàn tiệc dài như một con rồng, vì được đặt ở trung tâm phố, nên tiệc này được gọi là "Tiệc giữa phố".
|