Nghe Online
Vì dân tộc nhiều, cư trú phân tán, Khu tự trị dân tộc Uây-ua Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc nhiều năm qua luôn là khu vực có trình độ giáo dục kém phát triển. Mấy năm gần đây, bên cạnh chính sách giáo dục dân tộc Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu và nền kinh tế Tân Cương không ngừng phát triển, sự nghiệp giáo dục ở Tân Cương cũng có sự thay đổi to lớn. Dù trẻ em ở thành phố hay trẻ em ở nông thôn và khu chăn nuôi, đều được hưởng quy chế giáo dục nghĩa vụ 9 năm. Con cái của nông dân và dân chăn nuôi được giáo dục đại học và sau đại học đã không phải là hiện tượng hiếm thấy.
Trường Trung học huyện Sha-ơ-xi-ao-khe nằm ở trại chăn nuôi Nam Sơn ở ngoại ô thành phố U-rum-xi thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, trước kia chỉ có mười mấy phòng học lụp xụp. Tháng 9 năm nay, trường trung học này đã được xây toà nhà dạy học, ký túc xá và nhà ăn mới, và được đổi thành trường học nội trú. Nam sinh dân tộc Ca-dắc Ta-la-xi nói:
"Em đã học 3 năm ở đây. Hồi vừa đến đây, em cùng mấy bạn học thuê chung một căn phòng ở ngoài, tự mình nấu cơm. Năm nay, trường có toà nhà dạy học, ký túc xá và nhà ăn mới, bọn em không những có thể lên lớp ở phòng học rộng lớn sáng sủa, mà còn có thể học tập ở ký túc xá, và không cần tự mình nấu cơm nữa. Bọn em được miễn phí học tập ở đây, em cảm thấy vui lắm."
Trước kia ở khu vực chăn nuôi Tân Cương, vì nông dân và dân chăn nuôi cư trú phân tán, nên "trường học trên lưng ngựa" từng là một phương thức dạy học đặc biệt và tồn tại lâu năm. Các nhà giáo cưỡi ngựa, mang theo dụng cụ dạy học và sách vở, định kỳ đến nhà dân chăn nuôi để tổ chức trẻ em học tập. Vào giữa thập niên 90 thế kỷ 20, Tân Cương đẩy mạnh công tác thúc đẩy dân chăn nuôi định cư, khiến dân chăn nuôi tập trung cư trú, dần dần hình thành làng chăn nuôi và đặt trường học ở làng. Từ đó "trường học trên lưng ngựa" mất đi.
Điều kiện dạy học ở các trường rải rác ở các làng chăn nuôi rất thô sơ, chỉ sử dụng mấy năm đã rách nát vô cùng. Từ đầu thế kỷ 21, chính quyền bắt đầu xây toà nhà dạy học mới và cải thiện điều kiện dạy học cho các trường học ở vùng chăn nuôi của cả khu tự trị.
Được biết, bắt đầu từ thế kỷ 21, Trung Quốc cả thảy đầu tư 1 tỷ nhân dân tệ vào việc cải thiện điều kiện trường học ở Tân Cương, và thực hiện các dự án "Giáo dục nghĩa vụ miễn phí" và "Xây dựng trường học nội trú trung tiểu học nông thôn" v,v. Hiện nay, Tân Cương đã có hơn 8700 trường học các cấp với hơn 4,3 triệu học sinh, tỷ lệ vào học của trẻ em đến tuổi vào trường cấp 1 đạt trên 90%.
Ông Nu-ơ-bai-kê-li, quan chức phụ trách công tác giáo dục của Khu tự trị dân tộc Uây-ua Tân Cương nói:
"Mấy năm qua, chính phủ không ngừng tăng kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục, chính quyền khu tự trị cũng xác định ngành giáo dục phải được phát triển ưu tiên. Từ đó thiết bị giáo dục cơ sở ở nông thôn Tân Cương được thay đổi hoàn toàn. Hiện nay, ở nông thôn và vùng xa vùng nghèo khó Tân Cương, nhà ở tốt nhất là trường học."
Trung Quốc có 56 dân tộc, ở Tân Cương đã có 47 dân tộc. Sự phát triển của Tân Cương không thể không nhờ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số. Từ năm 2000, Tân Cương bắt đầu đẩy mạnh công tác thực hiện học sinh dân tộc thiểu số học cả tiếng dân tộc mình lẫn tiếng Hán để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số. Năm nay, thành phố U-rum-xi thủ phủ Tân Cương dẫn đầu thực hiện mục tiêu học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Hán học cùng một trường. Cục trưởng Cục giáo dục thành phố U-rum-xi, ông Lý Kiến Thanh nói:
"Công tác thực hiện học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc Hán học cùng một trường là nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu của quần chúng các dân tộc mong con cái mình được hưởng giáo dục chất lượng cao. Lớp thí nghiệm dạy hai thứ tiếng đã gây ảnh hưởng ngày càng lớn, hiện nay ngày càng nhiều học sinh yêu cầu học ở lớp thí nghiệm. Điều này yêu cầu chúng tôi phải ra sức tăng nhanh nhịp độ thành lập trường học dạy cả tiếng dân tộc lẫ̃n tiếng Hán, và đào tạo nhân tài ưu tú giỏi cả tiếng dân tộc lẫn tiếng Hán."
Sự phát triển của giáo dục cơ sở thúc đẩy trực tiếp sự phồn vinh của giáo dục cao đẳng. Trong cuộc thi đại học Trung Quốc năm nay, thí sinh Tân Cương đã giành được thành tích cao, có 3200 học sinh thi đỗ trường đại học trọng điểm.
Đối với học sinh Tân Cương, nhất là học sinh dân tộc thiểu số thi đại học, Trung Quốc luôn áp dụng chính sách hạ thấp điểm tuyển sinh viên. Mấy năm gần đây, đi đôi với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục Tân Cương, nhà nước Trung Quốc không hạ thấp điểm tuyển đối với học sinh dân tộc Hán ở Tân Cương nữa, giảm điểm ưu tiên học sinh dân tộc thiểu số từ hơn 100 điểm của 10 năm trước xuống khoảng 10 điểm hiện nay. Điều này chứng tỏ chất lượng giáo dục ở Tân Cương không ngừng được nâng cao.
Hồi Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mới thành lập, Tân Cương chỉ có một trường cao đẳng quy mô nhỏ với hơn 300 sinh viên. Hiện nay, Tân Cương đã có 26 trường đại học với hơn 140 nghìn sinh viên, và có một loạt viện nghiên cứu cấp học vị thạc sĩ và tiến sĩ.
Là khu vực trọng điểm trong chiến lược phát triển miền tây Trung Quốc vào thế kỷ mới, Tân Cương phải đào tạo rất nhiều nhân tài mới có thể thực hiện kinh tế phát triển vượt bậc. Về việc này, chính quyền Tân Cương đã ấn định kế hoạch phát triển giáo dục, tức là đến năm 2007, phổ cập giáo dục nghĩa vụ 9 năm về cơ bản, xoá nạn mù chữ đối với thanh niên và trung niên về cơ bản.
|