Nghe Online
Trong ba năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới , ngành dệt may Trung Quốc đã giành được không gian phát triển rộng lớn , nhưng cũng đang đối mặt với cạnh tranh rất quyết liệt . Trước tình hình này , ngành dệt may Trung Quốc cần phải không ngừng nâng cao khả năng thích ứng với thị trường quốc tế .
Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất trên thế giới , kim ngạch xuất khẩu chiếm 60% tổng thu nhập của ngành . Căn cứ Hiệp định hàng dệt may và trang phục do các thành viên Tổ chức thương mại thế giới đạt được , ngày 1 tháng 1 năm 2005 sẽ bãi bỏ chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may và trang phục hiện hành trong mậu dịch thế giới . Những tình hình trên, hình như đều rất có lợi cho ngành dệt may Trung Quốc . Thế nhưng phó hội trưởng Tổng hội trang phục Trung Quốc Vương Khánh lại cho rằng : người tiêu dùng nước ngoài có yêu cầu ngày càng cao , các nhà nhập khẩu ở các nước nêu ra tiêu chuẩn ngày càng cao về trang phục , vì vậy muốn tiếp tục được chấp nhận và mở rộng thị phần hơn nữa , trang phục Trung Quốc cần phải cố gắng thích ứng với sự biến đổi và yêu cầu trên trị trường quốc tế .
Cụ thể là nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương thức trực tiếp hợp tác với các nhãn hiệu quốc tế , học hỏi kinh nghiệm quản lý và kinh doanh quốc tế hóa của họ . Công ty hữu hạn kiểm soát cổ phần Sam Sam là một doanh nghiệp trang phục nổi tiếng ở Trung Quốc , hiện nay có 20 nhãn hiệu , trong đó có 7 nhãn hiệu đang hợp tác với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới . Phó tổng giám đốc thường trực của Công ty Chu Thời Phấn cho biết :
" Chúng tôi chủ yếu hợp tác với những nhãn hiệu quốc tế có tiếng tăm , có cá tính hoặc giầu kinh nghiệm mậu dịch quốc tế .Vì những nhãn hiệu này luôn luôn theo đuổi xu thế quốc tế về trào lưu thời thượng , mẫu mã , thẩm mỹ thời thượng , chúng tôi rất cần tầm mắt quốc tế của họ . "
Hiện nay , không ít doanh nghiệp Trung Quốc đã đi ra những bước quan trọng về hợp tác quốc tế . Hơn nữa , về mặt thiết kế và kinh doanh , họ đã biết làm thế nào để thích ứng nhu cầu cá tính trong tiêu dùng trang phục của khách hàng . Ví dụ , một doanh nghiệp mang tên "White collar"đã chỉ định nhà sản xuất chất liệu vải , và yêu cầu nhà sản xuất chất liệu vải dành thời gian bảo hộ 3 tháng cho chất liệu vải mới thiết kế. Công ty Hempel ở thành phố Hàng Châu đã thành lập nhà máy nhuộm vải và gia công , sản xuất và nhuộm vải theo quy định của công ty , bảo đảm chắc chắn cá tính và tính độc đáo của trang phục , giành được tán thưởng của các nhà nhập khẩu .
Ngoài nỗ lực của tổ chức ngành và doanh nghiệp , một số lực lượng xã hội cũng thúc đẩy nhịp bước của ngành dệt may thích ứng với thị trường quốc tế . Ông Diêu Qua của Trung tâm phát triển văn hóa Binli Đông Phương Bắc Kinh giới thiệu với phóng viên về các hoạt động giao lưu trong giới trang phục do Trung tâm phối hợp tổ chức trong mấy năm gần đây , ông nói :
" Ví dụ như tháng 12 năm ngoái chúng tôi thành lập Hội liên hợp thời thượng châu Á , mục đích là để 3 nước có ngành thời thượng tương đối phát triển như Hàn Quốc , Nhật và Trung Quốc hợp tác với nhau , cùng phát triển . Gần đây Trung tâm mời ba nhà thiết kế nổi tiếng nhất của Nhật như Ô-ca-ma-sa-cô , đại diện phái kinh viện , Yô-i-chi Na-ga-sa-va nổi tiếng Pa-ri đến trình bầy tác phẩm trang phục mùa xuân và mùa hè năm 2005 ."
Có thể nói , với sự cố gắng của các bên , ngành dệt may Trung Quốc đang giành được ngày càng nhiều sự khẳng định trên thị trường quốc tế . Số liệu thống kê của Bộ thương mại Trung Quốc cho thấy , mức độ tăng trưởng của tổng giá trị trang phục Trung Quốc giữ mức 20% trong hai năm liền .
Nhưng có chuyên gia nêu rõ , tăng trưởng của ngành dệt may chủ yếu vẫn là tăng trưởng về số lượng , tăng trưởng về giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn không nhiều , cần phải chú ý những vấn đề có thể xuất hiện . Phó hội trưởng Tổng hội trang phục Trung Quốc Vương Khánh cho rằng :
" Vì tốc độ tăng trưởng nhanh qúa chắc chắn sẽ dẫn đến sự va chạm mậu dịch . Hiện nay , Trung Quốc đang cố gắng nâng cao mức thu nhập của nông dân , giá thành lao động trong nước được tăng lên . Nếu ngành dệt may Trung Quốc không thể chuyển từ tăng trưởng về số lượng sang tăng trưởng về giá trị gia tăng , thì các doanh nghiệp Trung Quốc vài ba năm sau sẽ đối mặt với hoàn cảnh hết sức khó khăn , vì vậy , với điều kiện có lợi cho tăng trưởng , cần phải thay đổi hình thức tăng trưởng , chuẩn bị cho phát triển trong tương lai ."
Ông Vương Khánh nói , muốn thật sự được lợi từ việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và việc bãi bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may và trang phục , ngành dệt may Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm , cần phải nâng cao giá trị gia tăng từ các khâu kỹ thuật và thiết kế , cố gắng sản xuất ra những sản phẩm mà thị trường đang cần đến .
|