Tác giả Chu Tự Thanh
Chu Tự Thanh <1891-1948> là người Dương Châu tỉnh Giang Tô, ông từng làm chủ nhiệm khoaTrung Văn trường đại học Thanh Hoa, là nhân sĩ yêu nước nổi tiếng Trung Quốc. Những bài tản văn của ông có địa vị hết sức quan trọng trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc, đặc biệt là các bài tản văn nổi tiếng như "Tấm lưng", "Trăng sáng đầm sen", "Màu xanh" v,v...
Có người nói, "Hút thuốc lá có hay ho gì đâu? Không bằng nhai kẹo cao su, nó ngòn ngọt, ngon miệng hơn." Khỏi phải nói, anh biết ngay, đây hẳn là người ngoài nghề. Có lẽ kẹo cao su hay thật , thế nhưng phần lớn chỉ có đàn bà trẻ con mới thích, chứ đàn ông chẳng mấy ai ưa cái của đó. Trừ phi là ở Mỹ, ở đấy có lẽ có một số trường hợp ngoại lệ. Một miếng kẹo cao su cứ nhai đi nhai lại, nhai cả ngày cũng không chán, mặc cho anh nhã nhặn ra sao, cũng không che dấu được cái vẻ ngấu nghiến, trông không lịch sự cho lắm. Nó thực ra khác với hút thuốc, mà trông như ngậm quả trám vậy. Anh đã thấy người ta ngậm quả trám chưa? Mang cứ phồng ra, cái miệng thỉnh thoảng cứ tóp ta tóp tép. Hút thuốc không cần phải phiền hà như vậy; hút thuốc cuốn lại càng tiện hơn, cứ việc ngậm điếu thuốc lên miệng, rồi hút một cách ung dung, chẳng ai để ý đến anh cả. Hút thuốc không có mùi vị gì, miễn cưỡng mà nói, có lẽ hơi có một chút đăng đắng. Song hút thuốc không phải là hám cái "đắng" mà là hám cái "có một chút". Khi cái miệng của anh ta buồn quá, hoặc nhàn quá, thì cần "có một chút" để cho nó vui vui, để anh ta cảm thấy cái miệng không phải là của anh ta nữa. Nhai một miếng kẹo cao su thì nhiều quá, nó ngòn ngọt, ngấy quá thật; mà đã có cái ngọt thì thường quên đi cái "tôi".
Thực ra hút thuốc là một trò vui thú. Ví như hút thuốc cuốn, anh cứ việc mở hộp thuốc lá hoặc cái ống đựng thuốc lá, rút điếu thuốc ra, gõ lên mặt bàn mấy cái, đưa lên miệng, quẹt diêm, châm lửa. Những động tác đó rất có sức mạnh, như là đóng kịch vậy. Bản thân có lẽ không cảm thấy gì, song đến khi nào không có thuốc để mà hút, thì sẽ cảm thấy ngay. Lúc ấy anh cảm thấy thật là vô công nhàn hạ, nhất là hai bàn tay, thật chẳng biết để nó ở đâu nữa. Còn nữa, làn khói được nhả ra, nó vờn nhẹ xung quanh, cũng đủ khiến anh phải nghiền ngẫm đôi ba lần; làn khói có thể dẫn anh đến một nơi xa xăm.---- Cho dù trong khi bận trăm công nghìn việc, cũng có thể khiến anh cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Cho nên, những người thường xuyên hút thuốc, ngậm điếu thuốc lên miệng, có thể ung dung để mường tượng. Bất kể anh ta là một thân sĩ dựa vào ghế xa-lông, hay là một thợ xây ngồi xổm trên bậc thang , anh ta chợt cảm thấy cái thân mình sao mà tự do và ung dung vậy. Có khi anh ta vừa ngậ̣m điếu thuốc vừa chuyện phiếm với người khác; tất nhiên là có chút mơ hồ, nhưng vui ở chỗ là không can gì với cái vẻ ta đây. Đây có lẽ cũng coi như là một trò chơi mê hoặc chăng.
Nhiều người hút thuốc là để kiếm bạn. Ví như có một anh bạn độc thân ở Bắc Bình, khi đàn đúm với bạn bè thì có cười có nói, song khi về đến nhà, căn phòng lạnh ngắt như nước lã vậy. Vào lúc này, anh ta liền rút điếu thuốc ra rồi châm lửa hút, mượn đó để cho ấm lên. Vào lúc hoàng hôn, nhìn đồ đạc trong căn phòng chỉ còn lại cái viền mờ mờ, tạm lười không bật đèn vội, cũng có thể châm điếu thuốc lên, nhìn đốm lửa le lói trên đầu điếu thuốc, cứ như là người bạn thân đang thủ thỉ với mình, chỉ có một mình anh ta mới nghe thấy. Nếu như bực bội, cũng có thể chuyển dịch cái bực bội lên điếu thuốc, cứ việc rít lấy rít để mươi mười cái. Khách đến nhà chơi, nếu anh không muốn nói chuyện, hoặc không tìm ra đầu đề câu chuyện để mà nói, cứ ngồi không thì quả là bồn chồn thật, đến nước này tốt nhất là giơ điếu thuốc lên để bịt cái miệng anh bạn trước mặt. Nếu anh ta cũng làm vậy, thì cứ việc hút thuốc với nhau trong thời gian lâu. Mỗi người cứ việc ngậm điếu thuốc, thế là có thể im lặng với nhau một hồi lâu.
Trước đây hút thuốc lào, thuốc sợi, chẳng qua là một thị hiếu không ảnh hưởng đến sự nhã nhặn, ngày nay hút thuốc đã trở thành cái vẻ sang trọng. Ngón tay bị nhuộm vàng vì hút thuốc ư, cứ việc mặc kệ nó. Bởi vì hút bằng bót thuốc không những phiền hà, mà có vẻ bủn xỉn, vả lại cái miệng cách xa sợi thuốc. Hôm nay chiếc áo khoác bị điếu thuốc đốt một lỗ , ngày mai chiếc áo chấn thủ lại bị thủng một lỗ ư, cứ việc mặc kệ nó. Chất Ni-cô-tin trong một điếu thuốc có thể ngộ độc chết một con chim sẻ ư, cứ việc mặc kệ nó. Tóm lại là, nó miễn cưỡng thế nào ấy, chẳng qua cũng chỉ là "phớt lờ" mà thôi. Thuốc lá có cái hay cái dở, mùi vị có đậm có nhạt, có thể phân biệt được mùi vị thì là lành nghề, hút thuốc mà không kén chọn thì là người rộng lượng.
Viết vào ngày 11 tháng 11 năm 1933
Đăng trên số 6
|