Vài nét về Đài phát thanh quốc tế Trung QuốcBan tiếng Việt Nam

Dự Báo Thời Tiết
China Radio International
Thời sự Trung Quốc 
Thời sự Quốc Tế 
  Đời sống kinh tế 
  Đời sống xã hội 
  Hộp thư Ngọc Ánh

Khoa học-Đời sống

Thế giới phụ nữ

Vườn văn hóa

Câu chuyện cuối tuần

Truyện thành ngữ Trung Quốc
(GMT+08:00) 2004-11-17 10:50:17    
Tản văn   Mùa Đông

cri
Chu Tự Thanh <1891-1948> là người Dương Châu tỉnh Giang Tô, ông từng làm chủ nhiệm khoaTrung Văn trường đại học Thanh Hoa, là nhân sĩ yêu nước nổi tiếng Trung Quốc. Những bài tản văn của ông có địa vị hết sức quan trọng trong lịch sử vân học hiện đại Trung Quốc, đặc biệt là các bài tản văn nổi tiếng như "Tấm lưng", "Trăng sáng đầm sen", "Màu xanh" v,v...

Nói đến mùa đông, chợt nghĩ đến món đậu phụ. Đây là món đậu phụ luộc trong "nồi Tây"?nồi nhôm?, khói nghi ngút. Nước trong nồi sôi sùng sục, nổi bọt như mắt cá, từng miếng đậu phụ nuôi trong đó, mềm mại nhẵn bóng, trông như chiếc áo lông sói mặc lật ra ngoài. Nồi đặt trên "bếp Tây" ?bếp than không cần thổi?, cả chiếc bếp cũng đều bị khói hun đến đen xì, khiến đậu trong nồi trông lại càng trắng nõn. Tối hôm đó, trong căn nhà cũ kỹ, tuy đã thắp ngọn "đèn Tây" rồi mà vẫn cứ tối om. Cha và ba anh em tôi ngồi quây quanh chiếc bàn. "Bếp Tây " cao quá, chốc chốc cha lại phải đứng dậy, hơi ngẩng mặt lên, nheo mắt lại, rồi thò đôi đũa vào nồi đang bốc khói nghi ngút, gắp đậu lên, bỏ từng miếng vào chiếc đĩa đựng sì dầu. Thỉnh thoảng anh em tôi cũng gắp, nhưng quả thực là bếp cao quá, mà cao quá thật, cho nên cứ ngồi chờ ăn sẵn. Đây không phải là ăn cơm, mà là ăn để chơi thôi. Cha nói buổi tối trời lạnh, ăn như vậy cả nhà sẽ ấm hơn. Chúng tôi đều rất thích món đậu luộc này; ngồi vào bàn là mắt cứ dán vào nồi, chờ hơi khói bốc lên, chờ miếng đậu nóng bỏng từ đôi đũa của cha rơi vào bát mình.

Lại đến mùa đông, tôi còn nhớ đó là buổi tối ngày 16 tháng 11 âm lịch, tôi cùng anh S và anh P đáp chiếc thuyền nhỏ bơi trên hồ Tây. Anh S vừa đến Hàng Châu dạy học, trước khi đến anh viết thư nói rằng : " Chúng mình cùng du ngoạn Hồ Tây, mặc cho nó là mùa đông". Đêm hôm đó trăng rất tỏ, bây giờ nghĩ lại mà còn như trăng đang soi trên mình vậy. Lẽ ra hôm trước là "trăng trên đỉnh đầu"; có lẽ vầng trăng của tháng 11 có chút đặc biệt chăng. Lúc ấy đã là hơn 9 giờ tối, trên mặt hồ dường như chỉ có mỗi con thuyền nhỏ của chúng tôi. Gió nhẹ, ánh trăng soi xuống sóng nước mềm mại; giữa chúng phản chiếu với nhau, trông như những xiên bạc mới tinh. Núi trên mặt hồ chỉ còn lại hình bóng mờ mờ. Dưới núi thỉnh thoảng có một vài ngọn đèn le lói. Anh S buột miệng hai câu thơ : " Đếm ánh đèn nhận ra làng chài, nét mực tô nhạt kẻ lông mày". Chúng tôi ai nấy đều không lên tiếng, chỉ nghe tiếng mái chèo khua đều đều. Tôi chập chờn sắp ngủ say. Anh S liền "này" một tiếng, tôi mới mở mắt ra, thấy anh đang mỉm cười. Phu thuyền hỏi có lên chùa Tĩnh không, đúng ngày sinh của phật A di đà, bên đó náo nhiệt lắm. Chúng tôi lên chùa, trong điện chùa nến thắp sáng trưng, chỉ nghe tiếng các cụ bà đang niệm Phật, thật như vừa tỉnh giấc mơ. Đây là chuyện cách đây đã hơn 10 năm, anh S vẫn thường thư từ với tôi, nghe nói anh P thay đổi nhiều nơi, năm kia , làm việc trong cục thu thuế đặc biệt, sau đó thì chẳng còn tin tức gì nữa.

Tôi từng trải qua một mùa đông ở Đài Châu, gia đình tôi bốn người. Đài châu là một phố núi, có thể nói là một thung lũng. Chỉ có một dãy phố dài 1 cây số. Ban ngày trên các con đường khác không có người qua lại; ban đêm tối đen như mực. Thỉnh thoảng có một tia đèn của nhà ai đó hắt ra ngoài cửa sổ, có người vừa đi đường vừa cầm bó đuốc, nhưng rất ít. Chúng tôi ở ngay dưới chân núi. Chỉ có tiếng gió thổi rừng thông trên núi, cùng với bóng dáng của một hai con chim bay trên trời cao. Cuối mùa hè đến nơi đây, đầu mùa xuân thì rời khỏi, thế mà cảm thấy cứ ở đây như là mùa đông mãi vậy; nhưng cho dù là mùa đông cũng không lạnh. Chúng tôi ở trên gác, phòng đọc sách hướng ra ngoài đường, ai đó nói chuyện ngoài đường, có thể nghe thấy rõ mồn một. Song vì người đi lại quá ít, thỉnh thoảng mới có tiếng nói, nghe như gió từ xa đưa tới, không ngờ lại ở ngay ngoài cửa sổ. Chúng tôi là những người ở bên ngoài đến đây, trừ đến trường dạy học ra, thường thì cứ ngồi ở nhà. Vợ tôi cũng quen với cái cảnh buồn tẻ này rồi, chỉ ở nhà cùng với mấy bố con tôi. Bên ngoài tuy lúc nào cũng là mùa đông, nhưng trong nhà thì lúc nào cũng như mùa xuân vậy. Có lần tôi ra phố, khi trở về, thấy cửa sổ bếp ở dưới nhà mở toang, ba mẹ con đứng thành hàng; ba khuôn mặt trông ngây thơ đang mỉm cười với tôi. Cảm thấy Đài châu này thật là trống tẻ, chỉ có mỗi bốn chúng tôi vậy; trời đất rỗng không, cũng chỉ có bốn chúng tôi mà thôi. Đó là năm thứ 10 Dân Quốc, vợ tôi vừa từ nhà lên đến đây, cho nên cô ấy cảm thấy thật thoải mái. Đến nay, vợ tôi qua đời đã bốn năm, nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ đến nụ cười của cô ấy.

Cho dù trời có lạnh đến mấy, gió to tuyết phủ, nhưng hễ cứ nghĩ đến đây, là trong lòng tôi lại thường cảm thấy ấm cúng.