Tác giả: Vũ Văn Hội công tác tại Đoạn quản lý đường sông số 7 phường Ngọc Châu thành phố Hải Dương Việt Nam
Cuộc thi mang tựa đề "Quảng Tây tươi đẹp thần kỳ" làm cho tôi vô cùng súc động, bao nhiêu kỷ niệm ùa về, kỷ niệm ba lần đến Quảng Tây làm cho tôi nhớ mãi.
Lần đầu tiên, năm 1995 qua Lạng sơn –Việt Nam, tôi bước chân sang Trung Quốc trong tâm trạng bồi hồi khó tả. Từ nhỏ tôi đã được tìm hiểu về lịch sử văn hóa, địa lý Trung Quốc qua sách báo, tranh ảnh, phim, kịch v,v ... tôi tưởng tượng ra đất nước Trung Quốc hùng vĩ, cổ kính, người Trung Quốc thông minh, sâu sắc. Tôi tưởng tượng khu tự trị Choang Quảng Tây rừng núi còn hoang sơ có nhiều người dân tộc lầm kỳ ít nói.
Thế rồi không khí tấp nập, ồn ào cuả người dân qua lại nơi biên giới làm ăn đã làm tắt hết suy tư, tưởng tượng của mình.
Tôi lên ô tô du lịch của Trung Quốc đi thị trấn Bằng Tường. Xe sang trọng, tài xế vui vẻ, đường nhựa thẳng tắp, nhẵn bóng, hai bên đường được xây vuông vắn, gọn ghẽ. Ghi nhận đầu tiên của tôi là người Trung Quốc làm đường giỏi thật, kỳ công thật, những quả đồi lớn được san phẳng, hoặc được sẻ làm đường, họ vặt những trái núi lớn thành ta kuy kè ốp đá cao thành mấy trăm mét, xa xa ruộng bậc thang cao ngất tầng mây, đẹp một cách lạ lùng, hai bên đường những công trình lớn mọc lên. Ở đây công trình gì cũng lớn, không thấy biểu hiện gì là vùng dân tộc tự trị. Cánh đồng mênh mông là mía, là lúa, là cây ăn quả, màu xanh tươi nhìn không chán mắt. Đến thị trấn Bằng tường thấy đến ngỡ ngàng, nhà cao tầng hiện đại mọc đan xen phố cũ, vẫn cảm giác cái gì cũng lớn, bến ô tô thị trấn sao mà lớn thế, nhà nghỉ dành cho hành khách chờ xe mà cũng cao đến năm sáu tầng, cửa hàng cửa hiệu có nhiều cờ hoa trang trí thật đẹp mắt, hình như nhà nào cũng có đôi câu đối treo ở hiên, các biển quảng caó cũng đều thấy đề cả chữ Việt lẫn chữ Hán, chắc người Việt Nam sang đây buôn bán, thăm quan tìm hiểu thị trường cũng nhiều.
Tối đến, thị trấn đông vui hơn. Chợ búa tấp nập, hàng hóa nhiều vô kể, cửa hàng, quán ăn, những con lợn quay cả con vàng ươm, thơm phức, nhìn thật là "ngon mắt".
Lần thứ hai tôi đến Quảng Tây là vào năm 1997. Tôi từ cầu Bắc Luân qua sông Ca Long thăm thị trấn Đông Hưng và thị trấn Giang Bình. Vẫn là công trình lớn, đường đẹp, xẻ núi đồi v,v ...đến gần biển, thấy dân nuôi trồng thủy sản rất nhiều. Người dân ở đây sáng tạo ra những chiếc thuyền bằng những cây tre như cả một toà nhà, có chiếc bằng trống đồng thật, những thiếu nữ Choang hát múa chào đón khách cùng với tiếng nhạc vui tươi rộn rã. Thêm một hình ảnh khó quên, đó là cô hướng dẫn viên người dân tộc Choang, tốt nghiệp tại học viện dân tộc Quảng Tây, cô thành thạo tiếng Việt, rất am hiểu phong tục tập quán của Quảng Tây và cả của Việt Nam. Qua đó đã thể hiện trí tuệ con người của dân tộc Choang Trung Quốc cũng như trình độ đào tạo đại học của Trung Quốc.
Sau khi từ Quảng Tây trở về, khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Cách đây hơn 50 năm, chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi đã nhiều lần qua lại Quảng Tây, dẫn dắt nhiều học viên sang Quảng Tây học tập rồi trở về nước hoạt động Cách Mạng. Nơi đây cũng là nơi tập kết nhiều hàng hóa của Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ.
Ngày nay, Quảng Tây là một khu vực phát triển không ngừng, các ngành cơ khí, điện tử, công nghiệp làm giấy v,v... đều có mặt tại hầu hết các tỉnh của Việt Nam. Đặc biệt là Hải Dương quê tôi cũng có nhà máy liên doanh hợp tác với Quảng Tây làm ăn rất có hiệu quả. Với lợi thế về giao thông, Quảng Tây đang đóng vai trò to lớn trong việc giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN trong có Việt Nam tiến tới thương mại vì lợi ích của nhân dân các nước trong khu vực.
Cám ơn Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã tổ chức cuộc thi "Quảng Tây tươi đẹp thần kỳ", làm cho tôi trào dâng cảm xúc những kỷ niệm về Quảng Tây đầy hạnh phúc.
Nhớ mãi Quảng Tây "Tươi đẹp thần kỳ".
|