Nghe Online
Dân tộc Si-ba có một bài hát dân ca cổ, ca ngợi vợ chồng già đánh cá và xây nhà bên bờ sông, sống cuộc sống cần cù và thương yêu nhau. Với ông Kỳ Xa Sơn, một học giả người dân tộc Si-ba, cuộc sống của ông cha dân tộc Si-ba giống như cuộc sống thể hiện trong bài hát: tại vùng non nước miền đông bắc Trung Quốc, vừa đánh cá vừa săn bắn, ung dung mà nhàn nhã. Hiện nay gia đình ông Kỳ Xa Sơn sinh sống ở Khu tự trị dân tộc Uây-ua Tân Cương miền tây bắc Trung Quốc. Ở Tân Cương, có gần 40 nghìn đồng bào dân tộc Si-ba.
Tại sao có nhiều đồng bào dân tộc Si-ba sống ở Tân Cương? Nó liên quan đến một câu chuyện thật.
Hơn 240 năm về trước, nhằm củng cố biên cương, nhà Thanh điều động hơn 3000 quân là người dân tộc Si-ba ở miền đông bắc sang Tân Cương ở miền tây bắc. Sau 17 tháng trèo đèo lội suối hết sức gian nan, họ cuối cùng đến được Tân Cương và định cư ở bờ nam sông Y Lê. Vì thiếu nguồn nước, họ mất 6 năm trời đào một con kênh lớn với chiều dài hơn 200 cây số, dẫn nước sông Y Lê để tưới đồng ruộng. Con kênh lớn đem lại hạnh phúc cho thế hệ sau này mang tên là Cha-bu-cha-ơ, có nghĩa là kho thóc. Từ đó, đồng bào dân tộc Si-ba cần cù bắt đầu sinh sôi và xây dựng quê hương mới ở bờ sông Y Lê.
Số đồng bào dân tộc Si-ba này đã đóng góp to lớn cho việc xây dựng biên cương Trung Quốc lúc đó. Đối với giai đoạn lịch sử này, đồng bào dân tộc Si-ba sống ở Tân Cương đều lấy làm tự hào. Hiện nay số người dân tộc Si-ba đã từ hơn 3000 người tăng đến hơn 40 nghìn người, và đã có huyện tự trị của mình—huyện tự trị dân tộc Si-ba Cha-bu-cha-ơ. Ngày 18 tháng 4 là ngày tổ tiên dân tộc Si-ba lên đường từ miền đông bắc chuyển sang Tân Cương. Cứ đến ngày này hằng năm, đồng bào dân tộc Si-ba đều mặc quần áo ngày tết, sum họp để chào mừng "Ngày di chuyển sang miền tây".
Có lẽ là vì xa quê nhà quá lâu, nên nhớ quê hương tha thiết hơn, dân tộc Si-ba ở Tân Cương cho đến nay vẫn giữ phong tục tập quán và ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông Kỳ Xa Sơn chuyên môn nghiên cứu tiếng nói và chữ viết của dân tộc Si-ba giới thiệu rằng, hiện nay toàn quốc có gần 200 nghìn người dân tộc Si-ba, phần lớn sống ở miền đông bắc, đồng bào dân tộc Si-ba sống ở Tân Cương chỉ chiếm 20%. Không ít đồng bào dân tộc Si-ba sống ở Tân Cương có thể nói tiếng Uây-ua, tiếng Ca-dắc, tiếng Nga và tiếng Hán, có ưu thế đặc biệt về ngôn ngữ.
Kể đến đây, chúng tôi còn phải đề cập tới một đặc điểm nổi bật nhất của dân tộc Si-ba, đó là giỏi về cưỡi ngựa và bắn tên. Lúc đó, sở dĩ nhà Thanh cử người dân tộc Si-ba sang Tân Cương để củng cố biên cương là vì dân tộc Si-ba giỏi về cưỡi ngựa và bắn tên. Khi đó, người nhập ngũ phải đạt tiêu chuẩn "cưỡi ngựa và bắn trúng ba tên", tức là cưỡi ngựa chạy nhanh, bắn trúng ba tên liền trong đoạn đường 100 mét. Cho nên, rất nhiều chàng trai dân tộc Si-ba ngay từ nhỏ đã bắt đầu dùng dây buộc treo cánh tay, luyện cử tạ, cử quả lăn đá v,v để tăng thêm sức lực cánh tay. Rồi họ bắt đầu luyện bắn tên, trước tiên bắn tên ở cự ly gần, sau bắn tên ở cự ly xa; trước tiên bắn mục tiêu tĩnh, sau bắn mục tiêu động; trước tiên đứng bắn, sau cưỡi ngựa bắn. Cuối cùng phải đạt tiêu chuẩn cưỡi trên ngựa bắn thú vật chạy trên mặt đất và chim bay trên không, phải bắn tên nào trúng tên ấy.
Giờ nay, đồng bào dân tộc Si-ba ở huyện tự trị dân tộc Si-ba Cha-bu-cha-ơ vẫn thích bắn tên, bắn tên luôn là môn thể dục thể thao yêu thích nhất của họ, vì vậy huyện Cha-bu-cha-ơ cũng được gọi là "quê hương bắn tên của Trung Quốc". Mỗi khi vào mùa rỗi rãi việc đồng áng, đồng bào dân tộc Si-ba thường xuyên tổ chức cuộc thi đấu bắn tên.
Cuộc thi đấu bắn tên náo nhiệt nhất thường diễn ra vào tết Nguyên Đán, tết Trung Thu ngày tết dân gian truyền thống và ngày di chuyển sang miền tây. Vào thời điểm này, đồng bào dân tộc Si-ba lấy một loại tên đặc biệt. Mũi tên của loại tên này chế tạo bằng sừng trâu, trên có 4 lỗ nhỏ. Khi bắn tên, tên bay trên không với tiếng vang dội.
Huyện tự trị dân tộc Si-ba Cha-bu-cha-ơ nằm ở châu tự trị dân tộc Ca-dắc Y Lê, là huyện tự trị duy nhất có nhiều dân tộc chung sống và dân tộc Si-ba là chủ thể. Tính đến năm nay, huyện này đã thành lập tròn 50 năm. Nhằm kế thừa và nêu cao văn hóa truyền thống của dân tộc Si-ba, hiện nay huyện tự trị dân tộc Si-ba Cha-bu-cha-ơ đã xây dựng một công viên lớn mang đậm phong cách dân tộc Si-ba, ở đó du khách có thể thưởng thức giọng hát điệu múa của dân tộc Si-ba, thưởng thức biểu diễn bắn tên tuyệt vời, cũng có thể tự mình bắn tên, trải nghiệm phong cách hào phóng trên đồng cỏ.
|