Chu Tự Thanh <1891-1948> là người Dương Châu tỉnh Giang Tô, ông từng làm chủ nhiệm khoaTrung Văn trường đại học Thanh Hoa, là nhân sĩ yêu nước nổi tiếng Trung Quốc. Những bài tản văn của ông có địa vị hết sức quan trọng trong lịch sử vân học hiện đại Trung Quốc, đặc biệt là các bài tản văn nổi tiếng như "Tấm lưng", "Ánh trăng trên đầm hoa sen", "Màu xanh" v,v... Bài tản văn "Tấm Lưng" của ông đã mô tả cảnh người cha tiễn chân con trong ga. Với ngòi bút bình dị, tác giả đã miêu tả những động tác có vẻ dí dỏm và đờ đẫn của cha trên sân ga, bộc bạch tình cha con chân thành.
Tấm lưng
Tôi và cha đã hơn hai năm không gặp nhau, điều khiến tôi khó quên nhất là tấm lưng của cha. Vào mùa đông năm đó, bà nội tôi mất, cha đành phải bỏ dở công việc, đó là những ngày họa không đơn hành, tôi từ Bắc Kinh về Từ Châu, dự định cùng cha trở về nhà để làm tang cho bà nội. Về Từ Châu gặp cha?thấy đồ đạc chất đống đầy sân, tôi chợt nhớ đến bà nội, bất giác nước mắt ứa ra lã chã. Cha nói: "Thôi, việc đã rồi, con đừng buồn nữa, được cái là không đến nỗi cùng đường."
Sau khi về cầm cố đồ đạc trong nhà, cha vẫn còn mắc nợ, lại phải vay thêm tiền để làm tang cho bà nội. Những ngày này, hoàn cảnh gia đình thật là ảm đạm, một là phải làm tang, một là vì cha bị mất việc. Làm tang cho bà nội xong, cha phải đến Nam Kinh để tìm việc làm, tôi cũng phải trở lại Bắc Kinh để tiếp tục việc học hành, thế là hai cha con cùng lên đường.
Đến Nam Kinh, bạn bè rủ tôi đi chơi, tôi dừng chân ở đây một ngày; sáng sớm hôm sau phải qua sông để sang Phố Khẩu, buổi chiều đáp tàu hỏa đi lên phía Bắc. Vì bận việc, lẽ ra cha không có ý định tiễn tôi, cha nhờ một người quán trọ đi cùng với tôi. Cha nhiều lần căn dặn rất tỷ mỷ tay nhân viên quán trọ. Vậy mà rồi cuối cùng cha vẫn không yên tâm, sợ người nhà trọ không được chu đáo, rồi cứ do dự hồi lâu. Thực ra năm đó tôi đã 20 tuổi, cũng đã từng hai ba lần qua lại Bắc Kinh, không có vấn đề gì hết. Sau khi do dự hồi lâu, cuối cùng cha quyết định đi tiễn tôi. Tôi hai ba lần khuyên cha không cần phải đi tiễn, cha chỉ nói : "Không sao, để họ đi không tốt."
Hai cha con chúng tôi qua sông, rồi vào nhà ga. Tôi đi mua vé, cha trông coi hành lý. Vì hành lý quá nhiều, đành phải cho ít tiền cho phu khuân vác rồi mới xong chuyện. Cha cứ mặc cả với họ. Hồi đó tôi cho mình là quá thông minh, cứ cảm thấy cha ăn nói sao mà không được khôn khéo vậy, thế là tôi phải chõ miệng vào mới được. Cuối cùng thì cha cũng đã mặc cả xong, rồi tiễn tôi lên tàu. Cha chọn cho tôi chiếc ghế bên cửa sổ; tôi trải chiếc áo khoác dạ màu tím cha cho lên chỗ ngồi. Cha dặn dò tôi, trên đường phải chú ý, ban đêm phải tỉnh táo, đừng để bị lạnh. Rồi cha lại dặn dò người nhà trọ đi cùng phải chăm sóc tôi. Tôi cười thầm trong bụng cho rằng cha quá lôi thôi, người nhà trọ họ chỉ nhận tiền thôi, có nhờ vả họ thì cũng chỉ bằng không! Mà tôi đã lớn thế này rồi, chẳng lẽ lại không chăm sóc được mình hay sao? Ôi! Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy mình hồi đó sao mà thông minh đến thế !
Tôi nói: "Thôi, cha về đi." Cha nhìn ra ngoài, nói: "Để̀ cha đi mua mấy quả quýt cho con. Con cứ ngồi đây, đừng đi đâu nhé." Tôi nhìn ra sân ga bên kia, ngoài hàng rào có mấy người bán hàng đang trông ngóng khách hàng. Nếu sang sân ga bên kia, phải xuyên qua đường ray, nhảy xuống đó rồi lại phải trèo lên. Thân cha mập mạp, sang đến bên kia tất nhiên là có chút khó khăn. Lẽ ra tôi đòi đi mua, nhưng cha không chịu, cứ bảo là để cha đi. Cha đội chiếc mũ vải màu đen, mặc chiếc áo ngoài cộc tay màu đen và chiếc áo bông màu tím than, cha đi lật đật đến bên đường sắt, rồi từ từ khom mình đi xuống, không khó khăn lắm. Thế nhưng sau khi xuyên qua đường sắt, lại phải trèo lên sân ga bên kia, thì không dễ dàng nữa. Hai tay của cha vịn lên thềm, hai chân co lại rồi nhún lên , tấm thân mập mạp của cha nghiêng sang trái, trông rất gắng sức. Lúc này tôn nhìn thấy tấm lưng của cha, mà nước mắt trào xuống. Tôi lau vội nước mắt, sợ cha nhìn thấy và cũng sợ người khác nhìn thấy. Tôi lại nhìn ra ngoài lần nữa, cha đang ôm bọc quýt quay trở lại. Khi qua đường sắt, cha đặt bọc quýt chín đỏ xuống đất trước, thân mình từ từ trèo xuống, rồi lại ôm bọc quýt đi tiếp. Khi sang đến bên này, tôi vội chạy xuống dìu cha. Sau khi cùng tôi lên tàu, cha liền bỏ bọc quýt lên chiếc áo dạ trải sẵn trên chiếc ghế của tôi. Cha phủi bụi trên áo, trông cha có vẻ rất nhẹ nhõm, một lúc sau cha nói : "Thôi, cha đi đây, đến nơi rồi viết thư về nhé !" Tôi nhìn theo cha đi ra. Cha vừa đi được mấy bước đã quay đầu lại nhìn tôi nói : "Thôi vào đi, bên trong không có người." Chờ cho đến khi tấm lưng cha khuất vào trong dòng người qua lại, cho đến khi không nhìn thấy nữa, tôi mới quay về ngồi xuống, nước mắt tôi lại trào ra.
Mấy năm qua, hai cha con tôi bôn ba đông tây, hoàn cảnh gia đình mỗi ngày một sa sút. Cha xa nhà kiếm kế sinh nhai ngay từ thời niên thiếu, một mình đảm đương mọi việc lớn nhỏ. Thế mà hoàn cảnh gia đình lại cứ chẳng ra làm sao ! Trước tình cảnh đó, cha rất khổ tâm, thường không cầm nổi lòng mình. Nỗi trầm cảm trong lòng đôi lúc bộc phát ra ngoài, gặp những chuyện nhỏ mọn trong nhà cha cũng nổi cáu. Cha đối sử với tôi cũng không được như trước nữa. Thế nhưng hai năm trở lại đây không gặp nhau, cha đã quên đi những điều không phải của tôi, cha chỉ nhớ nhung tôi, nhớ cả thằng con trai của tôi. Sau khi tôi đến Bắc kinh, cha có viết cho tôi một bức thư rằng : " Sức khỏe của cha bình an, chỉ có bả vai là đau nhức nhối, không được tiện cho lắm, có lẽ cái ngày cha phải đi xa đã không còn bao lâu nữa" Đọc đến đây, qua những giọt nước mắt long lanh, tôi lại nhìn thấy tấm lưng mập mạp của cha mặc chiếc áo bông màu tím than, áo khoác cộc tay màu đen. Ôi ! không biết đến bao giờ tôi mới được gặp lại cha đây!
Tháng 10 năm 1925 tại Bắc Kinh.
|