Nghe Online
Đoạn sông Ly từ thành phố Quế Lâm miền đông bắc Quảng Tây đến thị trấn Dương Sóc dài khoảng 84 km là nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng nhất, nó như một dải lục xanh uốn lượn giữa muôn trùng núi non, nước sông lững lờ lấp lánh dưới ánh mặt trời, thật chẳng khác nào một bức họa đồ trải dài ngàn dặm, hàm lượng cát trong mỗi mét khối nước sông Ly là 0,037 kg, nên nước trong thấu đáy và có rất nhiều cá. Thị trấn cổ Đại Khư nằm trên bờ sông Ly ở phía đông nam thành phố Quế Lâm 19 km, nó được xây dựng vào năm 200 trước công nguyên,có một con đường trải đá tấm dài 5 km chạy xuyên suốt thị trấn, hai bên đường phố là những dãy nhà gạch lợp ngói đã có trăm năm lịch sử, những nét hoa văn khắc gỗ tinh xảo đã hoen màu, cùng những lớp tranh tết dán đầy trên cánh cửa cũng đủ khiến ta cảm nhận được dấu tích phai tàn của năm tháng.
Muốn tìm hiểu tình hình đời sống của người Đại Khư ngày nay, thì chúng ta hãy rời đường phố cổ đến nơi mặt phố hướng ra sông Ly. Trên sông neo đậu đủ loại tàu du lịch như bè tre rộng 2-3 mét, tàu du lic̣h sang trọng cao 2-3 tầng. Hàng ngày xuôi ngược trên mặt sông, đó chính là cuộc sống của người Đại Khư. Hàng nghìn năm nay, người Đại Khư dựng nhà cửa bên sông, cuộc sống của họ cũng dựa vào sông. Theo cách nói của người ở đây thì dòng sông Ly đã nuôi dưỡng tổ tiên họ, nuôi dưỡng bản thân họ, và sẽ nuôi dưỡng các đời con cháu của họ. Cụ Hoàng Khánh Cao người chèo bè du lịch trên sông Ly nói với chúng tôi rằng:
"Ông và cha tôi đều làm nghề đánh cá, đều sống bằng nghề chài lưới. Sau đó, đến đời tôi thì làm nghề chuyên chở du khách trên sông ".
Người Đại Khư ban ngày chở khách đi lại trên sông, tối đến thì nghỉ ngơi trà lá trong phố cổ yên tĩnh, nhìn những ánh lửa đèn lôm đốm trên mặt sông, bên tai nghe vang vọng tiếng sóng vỗ đều đều nhịp nhàng trên bờ, mà lòng cảm thấy thật vô cùng sảng khoái. Anh Hoàng Lục Phi 20 tuổi, gia đình anh trước kia cũng sống bằng nghề chài lưới, sau đó cha anh làm nghề vận tải trên sông kiếm được tiền, mua hai chiếc tàu du lịch, anh mới chuyển sang làm dịch vụ du lịch, nay là ông chủ chiếc tàu này. Khi nói về sông Ly, anh chỉ bó gọn trong một chữ "Đẹp". Trước hết là phong cảnh sông Ly tươi đẹp, rồi đến núi đẹp, nước đẹp, có hang động và núi đá đẹp kỳ dị. Phong cảnh thiên nhiên thơ mộng đã đem lại cuộc sống tươi đẹp cho dân chúng ở hai bên bờ. Anh Hoàng Lục Phi nói:
"Du khách đến đây gồm đủ loại sắc áo màu da, người da trắng, da đen, da vàng đều có cả, tôi được nghe khá nhiều lời bình phẩm của họ đối với cảnh đẹp của sông Ly, trong có một vị cựu tổng thống Mỹ nói rằng, ông đã đi qua nhiều nước trên thế giới, nhưng không nơi nào sánh bằng nơi đây, ông đã khen đây là nơi ở của thần tiên".
Du lịch đã khiến cuộc sống của người Đại Khư có sự thay đổi lớn lao, nó thậm trí đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của họ. Đối với những người sinh sống ở núi Minh Nguyệt, một phong cảnh khác ở bên bờ sông Ly mà nói, dịch vụ du lịch cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.
Núi Minh Nguyệt nằm ở phía nam thị trấn Dương Sóc, cao hơn mặt biển 380 mét, trên đỉnh núi có một vách đá như một tấm bình phong khổng lồ, trên vách có một động lớn hình mặt trăng, đứng từ xa nhìn sang chẳng khác nào vầng trăng treo trên trời cao, nên người địa phương mới gọi nó là Nguyệt Động. Từ chân núi leo qua 800 bậc tam cấp ngoằn ngoèo thì lên tới đỉnh núi. Trong khi leo lên, du khách có thể ngắm nhìn Nguyệt Động từ nhiều góc độ khác nhau, thì sẽ thấy những cảnh tượng kỳ dị như hình trăng tròn, nửa vầng trăng hay trăng khuyết.
Đến du ngoạn trên núi, ngoài thưởng thức cảnh đẹp núi non ra, du khách cũng có thể mời "Mẹ mặt trăng" ở địa phương làm người hướng dẫn du lịch. "Mẹ mặt trăng" là cách gọi thân mật của du khách đối với phụ nữ nông dân làm dịch vụ du lịch tại địa phương, họ khác với hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, lời giải thích của họ rất mộc mạc, cũng như công tác phục vụ về ăn ở và y tế của họ, quả thật đã khiến cuộc hành trình của du khách tràn đầy luồng hơi thở đồng quê dân dã.
Điều bất ngờ là trong số họ còn có khá nhiều người có thể dùng ngoại ngữ giao lưu với du khác. Trong đó, bà Từ Tú Chân biết ngôn ngữ của 8 nước là người điển hình nhất. Khi thấy khách từ Ca-na-đa tới, bà đã hớn hở chào hỏi.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người địa phương tham gia vào hàng ngũ dịch vụ du lịch. Du khách đến đây đều sẽ nhanh chóng tìm được nơi ăn ở. Trong đó, đến nghỉ trong ngôi lầu nhỏ trên núi, sáng sớm mở cửa sổ ra thở hít không khí trong lành, dõi mắt nhìn xuống dòng sông Ly uốn quanh dưới chân núi, cũng là điều được nhiều du khách ưa thích.
Người dân sống ở chân núi Minh Nguyệt cũng giống như người Đại Khư đang sống cuộc đời hạnh phúc dưới sự nuôi dưỡng của sông Ly. Đây là niềm ước ao của biết bao du khách ở trong và ngoài nước. TQ có câu tục ngữ là Trăm nghe không bằng mắt thấy ,cảnh đẹp sông Ly đang giang hai cánh tay chờ đón bạn.
|