Dân tộc A Xương chủ yếu tập trung sinh sống tại hai huyện Lũng Xuyên và Lương Hà ở châu tự trị dân tộc Thái và dân tộc Cảnh Phả Đức Hồng tỉnh Vân Nam, còn lại thì rải rác ở mấy huyện Lộ Tây, Doanh Giang, Đằng Xung và Vân Long.
Khu vực tập trung sinh sống của dân tộc A Xương nằm ở vùng đồi núi, thung lũng của dãy núi Cao Lê Cống, vùng này tạo điều kiện tốt đẹp cho đồng bào dân tộc A Xương phát triển sản xuất nông nghiệp. Lâu nay dân tộc A Xương nổi tiếng về tài trồng lúa.
Dân tộc A Xương có ngôn ngữ thuộc nhóm Tạng—Miến ngữ hệ Hán—Tạng, chia thành hai phương ngôn Lương Hà và Hộ Tát. Do chung sống lâu dài với đồng bào dân tộc Hán, dân tộc Thái, nên nói chung đồng bào dân tộc A Xương nói được tiếng Hán và tiếng Thái.
Trang phục của dân tộc A Xương đơn giản, chất phác, đẹp mắt. Đàn ông thường mặc áo hai vạt cài giữa với màu xanh da trời, màu trắng hoặc màu đen, mặc quần dài màu đen với ống quần rộng. Chàng trai thích vấn khăn màu trắng trên đầu, và đàn ông đã lấy vợ thì vấn khăn màu đen. Một số người trung niên và người già thích đội mũ chiên. Khi vấn khăn trên đầu, chàng trai luôn để lại một mớ tua dài 40 cen-ti-mét ở đằng sau. Khi ra ngoài đi chợ hoặc tham gia liên hoan ngày lễ, họ thích đeo một túi và một chiếc dao A Xương.
Trang phục của phụ nữ dân tộc A Xương phân biệt tuổi tác và lấy chồng hay chưa. Ngày thường, thiếu nữ chưa lấy chồng thường mặc áo vạt cả hoặc áo hai vạt cài giữa với màu các loại, và mặc quần dài màu đen, buộc dây lưng, còn vấn khăn đen trên đầu. Phụ nữ ở vùng Lương Hà thường mặc áo hai vạt cài giữa với màu đỏ hoặc màu xanh da trời, mặc váy, buộc xà cạp trên cẳng, vấn khăn đen với chiều cao 0,3 mét, hơn nữa phía trái ở đỉnh khăn còn treo 4-5 cái quả bóng nhỏ trang sức rủ xuống, rất có đặc sắc. Mỗi khi ra ngoài, phụ nữ đều mất nhiều công phu để trang sức. Họ lấy ra đồ trang sức các loại mà họ giữ cẩn thận, đeo hoa tai lớn, vòng tay lớn có hoa văn điêu khắc tinh xảo và kiềng bạc, ngoài ra họ còn buộc mấy chuỗi dây chuyền bạc trên 4 khuy bạc ở áo và lưng, nên khi họ đi bộ, các đồ trang sức làm bằng bạc óng ánh nhấp nháy, sáng chói hoa cả mắt.
Thanh niên nam nữ dân tộc A Xương đều thích cài một đóa hoa tươi trên khăn vấn trên đầu. Mỗi một đóa hoa không những đẹp mắt, mà còn được thanh niên dân tộc A Xương coi là tượng trưng cho phẩm chất chân thật và tâm hồn trong trắng.
Dao A Xương còn có tên gọi là "Dao Hộ Tát", vì đa số dao sản xuất ở vùng Hộ Tát, Lạp Tát ở huyện Lũng Xuyên có đồng bào dân tộc A Xương tập trung sinh sống. Loại dao này sản xuất thật công phu, mềm mại có thể buộc vào ngón tay, chặt khối sắt như chặt bùn. Hơn nữa vỏ dao làm bằng chất liệu hỗn hợp gỗ, da và bạc cũng rất đẹp, và tinh xảo.
Nhạc cụ của dân tộc A Xương chủ yếu có sáo Hồ Lô, sáo Tam Nguyệt, đàn ba dây, trống và chiêng. Sáo Hồ Lô làm bằng quả bầu gắn liền ba ống tre, nó có 7 âm, tiếng nhỏ và giọng trầm, mượt mà, thường thổi vào ban tối. Sáo Tam Nguyệt làm bằng một ống tre, cũng có 7 âm, nhưng tiếng to, giọng cao, thường thổi vào ban ngày. Sáo Hồ Lô và sáo Tam Nguyệt không những là nhạc cụ truyền thống được đồng bào dân tộc A Xương yêu thích, mà còn là phương tiện giúp thanh niên nam nữ bày tỏ tình yêu.
Đồng bào dân tộc A Xương tin theo Phật giáo Tiểu Thừa, ngày lễ rất nhiều, và phần lớn có liên quan với Phật giáo.
Tết Hội Nhai là tết truyền thống ở khu vực Hộ Tát và Lạp Tát. Trước kia Tết Hội Nhai thường tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch trong vòng 15 ngày, và hiện nay thời gian tổ chức đã thay đổi, được tổ chức vào 3 ngày trước hoặc sau Ngày Quốc Khánh. Hai hoạt động liên quan với rồng màu xanh và voi trắng là hoạt động giải trí lọng trọng nhất, thú vị nhất trong Tết Hội Nhai. Đồng bào dân tộc A Xương coi rồng màu xanh và voi trắng tượng trưng cho việc tốt lành, hạnh phúc.
|