Nghe Online
Chữ "Cấm " ở đây là chỉ ngậm miệng không nói; Còn "Hàn thiền" là chỉ con ve sầu trong trời rét.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Hậu Hán thư – Truyện Đỗ Mật".
Thời Đông Hán có một viên quan thanh liêm và tài ba tên là Đỗ Mật, ông từng đảm nhiệm chức thái thú quận và Thượng thư lệnh. Ông chấp pháp nghiêm minh, căm ghét tội ác, từng đấu tranh với lũ hoạn quan, đối với những hoạn quan hay con nhà quyền quý phạm tội là ông cương quyết điều tra xử lý, không hề dung tha. Nhưng ông lại rất quý mến người có tài và luôn tìm cách giúp họ làm nên sự nghiệp.
Một hôm, khi thị sát ở huyện Cao Mật, ông thấy có một viên quan làng tên là Trịnh Huyền rất có học thức, bèn đề bạt ông ta lên nhậm chức ở trên quận. Ít lâu sau, ông lại cử Trịnh Huyền đi chuyên tu ở Thái Học. Còn Trịnh Huyền quả không phụ lòng ông, sau đó trở thành nhà Kinh Học rất nổi tiếng thời Đông Hán.
Về sau, Đỗ Mật từ quan về quê, những vẫn rất quan tâm tới tình hình chính sự, ông thường bàn luận với các quan chức địa phương về công việc nhà nước, tiến cử hiền sĩ và vạch trần người xấu việc xấu.
Bấy giờ, bạn của Đỗ Mật là Lưu Thắng cũng cáo lão về quê. Ông ta sùng tín triết học xử thế trong sạch vẹn thân, hàng ngày kín cổng cao tường, không bàn luận chính sự, ai tốt xấu mặc ai. Có người cho rằng, ông ta làm như vậy là một sự biểu hiện cao thượng.
Một hôm, Thái thú Vương Dục khen ngợi Lưu Thắng là một sĩ tử cao thượng. Nhưng Đỗ Mật không tán thành với nhận xét này. Ông nói: "Lưu Thắng địa vị cao, được đối đãi vào hạng thượng khách. Nhưng ông ta biết có người tài mà không tiến cử, nghe tin có người làm việc xấu, mà không dám nói một câu, thì có khác gì con ve sầu trong ngày trời lạnh không biết kêu, ông ta thực ra là một kẻ có tội".
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Cấm nhược hàn thiền" để chỉ những người sống yên phận im hơi lặng tiếng.
|