Nếu không có lý luận về xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc do ông Đặng Tiểu Bình sáng lập thì không thể có cục diện mới cải cách mở cửa và bước phát triển vượt bậc trong công cuộc xây dựng hiện đại hóa Chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc đương đại.
Sau khi kết thúc "cuộc cách mạng văn hóa", Trung Quốc đối mặt với việc làm thể nào để xoay chuyển cục diện rối ren trong 10 năm, xác định như thế nào về con đường phát triển Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Trong mối tơ vò đó, ông Đặng Tiểu Bình trước tiên đã bắt tay vào việc uốn nắn sai lầm từ đường lối tư tưởng, xác lập lại đường lối tư tưởng giải phóng tư tưởng và thực sự cầu thị.
Trong thời kỳ mới, tập thể lãnh đạo Trung ương với hạt nhân là ông Đặng Tiểu Bình đã sáng lập và phát triển lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm lịch sử trước đây.
Tháng 10-1992, Đại hội lần thứ 14 của Đảng cộng sản Trung Quốc đã xác lập địa vị chỉ đạo trong toàn Đảng của lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc của ông Đặng Tiểu Bình. Tháng 3-1999, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa 9 quyết định đưa lý luận này ghi vào "Hiến pháp".
Nội dung chính của lý luận này là: Về vấn đề đường lối phát triển của Chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn duy nhất kiểm nghiệm chân lý. Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, đi con đường của mình.
Về vấn đề nhiệm vụ căn bản của Chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ bản chất của Chủ nghĩa xã hội là giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển sức sản xuất, phải lấy xây dựng kinh tế làm trọng tâm. Khi phán đoán công tác các mặt phải lấy việc có lợi cho phát triển lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa hay không, có lợi cho tăng cường sức mạnh tổng hợp của của Nhà nước xã hội chủ nghĩa hay không, có lợi cho nâng cao đời sống của nhân dân hay không làm tiêu chuẩn. Khoa học-kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất.
Về vấn đề động lực phát triển của Chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh cải cách là một cuộc cách mạng. Mục tiêu cải cách thể chế kinh tế là xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kiên trì lấy chế độ công hữu và phân phối theo lao động làm chủ thể, các thành phần kinh tế và phương thức phân phối khác làm bổ sung.
Về vấn đề điều kiện bên ngoài của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ hoà bình và phát triển là hai chủ đề lớn của thế giới ngày nay. Cần phải kiên trì chính sách ngoại giao hoà bình độc lập và tự chủ, tranh thủ một môi trường quốc tế có lợi cho công cuộc xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc. Nhấn mạnh thi hành mở cửa đối ngoại.
Về vấn đề bảo đảm chính trị cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội, kiên trì nền chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Bốn nguyên tắc cơ bản này là gốc của việc xây dựng đất nước, là sự đảm bảo cho công cuộc cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hoá phát triển lành mạnh.
Về vến đề thống nhất đất nước, đề ra ý tưởng sáng tạo "một nước hai chế độ".
Lý luận xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc còn có rất nhiều nội dung khác. Dưới sự chỉ đạo của lý luận này đã xây dựng đường lối cơ bản của Đảng cộng sản Trung Quốc là "một trung tâm, hai điểm cơ bản" trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Những lý luận, đường lối và phương châm chính sách này còn cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển trong thực tiễn.
|