Nghe Online
Mấy năm gần đây , những bước phát triển kinh tế ở Trung Quốc có nhu cầu ngày càng lớn đối với đất đai , tại không ít địa phương , nhiều nông dân vì thế mà mất ruộng đất . Làm thế nào đảm bảo đời sống cho nông dân mất ruộng đất đã trở thành vấn đề quan trọng của chính phủ .
Mấy năm gần đây , tốc độ phát triển kinh tế tại tỉnh Triết Giang luôn đứng đầu cả nước . Thế nhưng mở rộng quy mô thành phố và triển khai công trình lớn thì phải trưng dụng ruộng đất ở vùng nông thôn . Phát triển kinh tế cần phải có đất , nông dân sinh sống cũng cần phải có đất , như vậy , mâu thuẫn giữa hai mặt này ngày càng nổi cộm .
Làng Mai Thự nằm ở gần thị xã Thiệu Hưng , có hàng nghìn dân làng . Bắt đầu từ năm 1992 , do thị trấn không ngừng mở rộng quy mô , cho nên làng Mai Thự mỗi năm có một phần ruộng đất bị trưng dụng . Chính quyền trưng dụng ruộng đất phải bồi thường cho nông dân mỗi héc-ta 80 nghìn đồng nhân dân tệ , tuy khoản tiền này đối với nông dân địa phương mà nói là một khoản thu nhập không nhỏ , nhưng bà con nông dân mất ruộng đất vẫn rất lo cuộc sống sau này . Ông Kỳ Truyền Bính năm nay 65 tuổi có nỗi lo như vậy , ông Bính cho phóng viên biết :
" Chúng tôi tuổi đã cao , ngoài trồng trọt ra không biết làm việc gì khác . Tôi rất lo điều này , ruộng đất bán đi mất rồi , về già chúng tôi không còn gì để nương tựa ."
Nông dân mất ruộng đất có nghĩa là mất sự nương tựa , trong khi đó , biện pháp bồi thường một lần bằng tiền mặt sau khi trưng dụng đất lại không thể hoàn toàn đảm bảo cuộc sống sau này của họ . Năm 2001 , Phòng tài nguyên đất đai huyện Thiệu Hưng triển khai một cuộc điều tra về tình hình trưng dụng đất , người phụ trách văn phòng ông Thi Bảo Phúc cho biết :
" Qua sự điều tra , chúng tôi thấy cần phải thiết lập một cơ chế đảm bảo lâu dài và có hiệu quả cho bà con nông dân mất ruộng đất . Giải quyết vấn đề cơ chế chính là nhằm làm dịu nỗi lo của bà con nông dân mất ruộng đất . "
Sau khi điều tra hơn một năm , chính quyền tỉnh Triết Giang đề ra , từ năm 2003 thiết lập chế độ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nông dân bị trưng dụng đất đai trong toàn tỉnh . Chế độ này tương tự với chế độ bảo hiểm dưỡng lão , bà con nông dân chỉ cần nộp khoản lệ phí nhất định , thì có thể lĩnh tiền dưỡng lão sau khi đến tuổi nhất định . Khoản tiền này do chính quyền , cá nhân và tập thể cùng đóng góp , mở tài khoản riêng , vận hành trong nội bộ và không được sử dụng vào mục đích khác . Các địa phương còn có thể căn cứ tình hình kinh tế của riêng mình xác định mức tiền dưỡng lão , nhưng nói chung không thể thấp hơn tiêu chuẩn đảm bảo cuộc sống tối thiểu tại thị trấn .
Lấy Thiệu Hưng làm ví dụ , nông dân bị trưng dụng đất đại từ 16 tuổi tham gia chế độ đảm bảo cuộc sống tối thiểu , chỉ cần cá nhân và tập thể làng một lần nộp 7000 đồng nhân dân tệ , chính quyền trợ cấp thêm 16 nghìn đồng nhân dân tệ . Như vậy , khi phụ nữ tròn 55 tuổi , nam giới tròn 60 tuổi , mỗi người mỗi tháng có thể lĩnh 220 đồng nhân dân tệ tiền dưỡng lão . Sau khi thi hành chế độ này , tất cả bà con nông dân trong làng Mai Thự huyện Thiệu Hưng đều tự nguyện tham gia , hiện nay đã có hơn 400 người bắt đầu lĩnh tiền dưỡng lão .
Ông Kỳ Truyền Bính cho biết , từ khi có chế độ đảm bảo cuộc sống tối thiểu , ông không còn lo cuộc sống sau này nữa . Ông nói :
" Hai vợ chồng chúng tôi đã mua bảo hiểm . Hiện nay một tháng được lĩnh 440 tệ , đã yên tâm lắm rồi ."
Khi làm việc tại huyện Thiệu Hưng , phóng viên còn phát hiện , những người đã lĩnh tiền dưỡng lão đều lấy làm hài lòng về chế độ này , nhưng đối với nông dân mười mấy năm sau thậm chí mấy mươi năm sau mới được lĩnh tiền dưỡng lão , thì cuộc sống hiện nay vẫn thành vấn đề . Họ muốn đi tìm việc làm , nhưng lại không có tay nghề, khó tìm được việc làm thích hợp . Để giải quyết vấn đề này , huyện Thiệu Hưng đã triển khai việc đào tạo nghề nghiệp cho nông dân , do chính quyền đảm nhiệm mọi chi phí , đồng thời khuyến khích cá nhân thành lập cơ sở đào tạo nghề nghiệp .
Vợ chồng Phạm Nghiêu cũng bị trưng dụng đất . Sau khi văn phòng lao động và đảm bảo xã hội huyện Thiệu Hưng được biết hai vợ chồng biết may mặc quần áo , thì giúp họ tìm địa điểm , làm quảng cáo , thành lập cơ sở đào tạo may quần áo . Anh Phạm Nghiêu cho biết :
" Năm ngoái , 100% học viên đều tìm được việc làm . Chúng tôi cả thảy đã đào tạo 117 người . Mở cơ sở đào tạo không những làm cho chúng tôi kiếm được tiền , mà còn giải quyết vấn đề xã hội . "
Hiện nay , các địa phương tỉnh Triết Giang đang ra sức thúc đẩy chế độ đảm bảo cuộc sống tối thiểu giống huyện Thiệu Hưng . Đến cuối năm 2003 , tỉnh Triết Giang đã huy động 3 tỷ đồng nhân dân tệ làm qũy đảm bảo cuộc sống tối thiểu . Ông Trần Tiểu Ân , vụ trưởng vụ lao động và đảm bảo xã hội tỉnh Triết Giang nói :
" Nhìn về tổng thể , công việc thi hành chế độ này tại tỉnh Triết Giang chúng tôi hiện nay vẫn ở giai đoạn bước đầu , bản thân vận hành chế độ này phải trải qua một qúa trình , nhất là vấn đề gom góp tiền bảo hiểm , vấn đề mức bảo đảm , vấn đề tăng cường đào tạo nông dân mất ruộng đất như thế nào , đều là những vấn đề khó giải quyết , sau này cần tiếp tục nghiên cứu và quy phạm hóa . "
|