Nghe Online
Tỉnh Chiết Giang miền đông nam TQ là quê hương của chè xanh . Đã nói tới chè xanh thì không thể không nhắc tới chè Long Tỉnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Chè Long Tỉnh có lịch sử lâu đời, có truyền thuyết hay và là một vần điệu văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Từ xưa, chè Long Tỉnh đã trở thành một tấm danh thiếp rất đẹp đẽ và cũng rất kỳ lạ của tỉnh Chiết Giang.
Có khá nhiều người Chiết Giang đều có sở thích uống chè xanh. Sau một ngày làm lụng vất vả, pha một cốc chè xanh, nhìn những búp chè non lượn rập rờn trong cốc nước bốc hơi nóng nghi ngút, sự huyên náo của đô thị và nỗi mệt nhọc trong ngày cũng dần dần tan đi, chỉ còn lại vị chè thơm phảng phất trên cửa miệng. Chè trong chén của người Chiết Giang được người ta gọi là mầm vàng kim độc nhất vô nhị, đó là chè Long Tỉnh.
Chè Long Tỉnh đã có hơn 1200 năm lịch sử, nơi sản xuất của loại chè này là làng Long Tỉnh ở phía tây nam Tây Hồ Hàng Châu. Ngôi làng này nằm trên dãy núi Sư Phong đồi núi nhấp nhô, rừng lá sum sê, mây mù che khuất. Nơi đây khí hậu ôn hòa, lắm mưa nhiều sương, môi trường thiên nhiên do trời phú này đã vun đáp nên chè Long Tỉnh núi Sư Phong Tây Hồ, một loại chè nổi tiếng trên thế giới.
Ông Hồ Tân Quang chuyên gia chè thành phố Hàng Châu đã giới thiệu với chúng tôi về lịch sử của chè Long Tỉnh Tây Hồ. Ông nói :
" Chè Long Tỉnh Tây Hồ rất có thể bắt đầu có từ triều nhà Đường, nó bắt đầu từ triều nhà Tống và trở nên nổi tiếng từ triều nhà Minh, nhưng nổi tiếng nhất là vào triều nhà Thanh. Vua Càn Long năm lần đến Giang Nam và đã để lại đây nhiều truyền thuyết hay".
Nói về chè Long Tỉnh còn có một truyền thuyết rất hay. Tương truyền, triều nhà Tống , ở làng Long Tỉnh có một cụ bà neo đơn, cuộc sống hàng ngày của bà chỉ dựa nhờ vào 18 cây chè. Năm đó, do chất lượng chè không tốt nên không bán được, cụ gần như phải nhịn đói. Một hôm, có một ông cụ già đến nhà cụ, ông ta đi quanh trong vườn một lượt, rồi nói sẽ bỏ ra 5 lạng bạc để mua chiếc cối đá to ở góc tường nhà cu. Cụ đang lúc thiếu tiền nên vui vẻ nhận lời ngay. Ông cụ thấy vậy mừng lắm, bèn dặn cụ không được cho ai động đến cối đá, đợi lát nữa sẽ cho người đến khiêng cối về. Sau khi ông cụ đi rồi, bà cụ nghĩ mình không thể lấy không của người ta 5 lạng bạc, mà phải lau chùi chiếc cối sách sẽ cho người ta mới phải lẽ. Nghĩ vậy cu bèn nhanh chóng vét nạo bụi đất và lá mục trong cốt ra, chất thành một đống to, nhưng lại chẳng biết đổ đi đâu, đành phải vùi xuống gốc cây chè. Một lát sau, ông cụ đã dẫn theo mấy chàng trai lực lưỡng đến để khiêng cối đi, nhưng khi ông nhìn thấy chiếc cối sạch sẽ, bèn hỏi bà cụ những thứ rác rưởi trong cối đã đổ đi đâu. Nghe bà cụ kể lại, ông già tiếc rẻ dậm chân nói: "Trời ơi, tôi bỏ ra 5 lạng bạc chính là mua những thứ rác rưởi đó". Ông ta nói xong liền quay gót đi thẳng. Bà cụ thấy 5 lạng bạc trắng sắp đến tay lại rơi tuột mất, đành chỉ ngậm ngùi kêu khổ. Nhưng mấy hôm sau, một điều kỳ lạ đã xảy ra, trên cành của 18 cây chè đều mọc tua tủa trồi non, búp chè thanh mảnh bóng bẩy, pha chè ra có vị thơm vô cùng quyến rũ. Tin này như có cánh truyền ra khắp vùng Tây Hô, mọi người nô nức tìm đến mua chè. Sau đó, các vùng ở quanh Tây Hồ cũng dần dần trồng chè Long Tỉnh, nên mới có tên gọi là Long Tỉnh Tây Hồ.
Tuy đây chỉ là truyền thuyết, nhưng 18 cây chè đến nay vẫn lá xanh mơn mởn, luôn luôn thu hút được rất nhiều du khách.
Chè Long Tỉnh sở dĩ phẩm chất hảo hạng, là bởi lẽ nó nhiều năm luôn sống trong môi trường sinh thái mù nước. Mà các nguyên tố vi lượng trong thổ nhưỡng đất cát lại rất thích nghi với cây chè sinh trưởng với chất lượng tốt, khiến bề mặt lá chè dẹt bằng duyên dáng, màu xanh óng mượt, hương vị nồng nàn. Pha trong cốc pha lê thì búp chè ngả màu lục, có khác nào phù dung xuất thủy, thật vô cùng sống động
Chuyên gia chè Hồ Tân Quang giới thiệu rằng, do nơi sản xuất khác nhau, nên chè Long Tỉnh được chia làm năm loại là: Sư, Long, Vân, Hổ và Mai, trong đó chè do núi Sư Phong ờ bên bờ Tây Hồ sản xuất là có hương vị và chất lượng tốt nhất. Khi nói về đặc điểm của chè Long Tỉnh Tây Hồ, ông Quang nói:
" Một là về màu sắc, nước chè phải là màu xanh phớt màu vàng nhạt. Hai là vị chè nồng đậm. Chè Long Tỉnh có hương thơm vị đậm đà, uống xong sẽ dần dần cảm thấy thơm miệng, lá chè mỏng, bóng trơn. Cho nên có thể nói chè Long Tĩnh có đủ tứ tuyệt gồm: Sắc, Hương , Vị và Hình "
Nếu chỉ có lá chè cực phẩm thôi thì còn chưa đủ, mà còn phải trải qua một công đoạn gia công của các bậc thợ cao tay thì mới trở thành sản phẩm chè hảo hạng.
Ông Hồ Tân Quang giới thiệu rằng, việc gia công chè Long Tỉnh cũng khá phức tạp. Ông cho biết :
" Chúng tôi có 10 thủ pháp xao chè, gồm 3 công đoạn, còn phải phân loại chè. Bởi vì, chè hái vào buổi sớm hay buổi tối, buổi sáng hay buồi chiều, hái vào lúc trời mưa hay trời nắng , thì việc gia công cũng hoàn toàn khác nhau. Chè mùa xuân, hạ, thu, cũng có hàm lượng nước khác nhau, nên việc gia công cũng có khác nhau. Trong lúc xao chè còn phải nắm vững nhiệt độ".
Nghe nói, sao nửa kg chè Long Tỉnh phải tốn hơn 4 tiếng đồng hồ, một công nhân sao chè lành nghề một ngày cũng chỉ sao được 1 kg chè. Trong khi sao thì thủ pháp tay cũng rất lắm kiểu cách.
Hiện nay, ở các khu vực gần Tây Hồ cả thảy có 13 làng trồng và sản xuất chè. Những làng này đều có xưởng gia công chè của mình, sản lượng năm khoảng 1000 tấn. Pha chè Long Tỉnh bằng nước mạch Hổ Bão thì vị chè càng thêm đặc biệt, nên được gọi là " Tây Hồ song tuyệt". Những du khách đến du lịch Hàng Châu đều sẽ được thưởng thức chè pha bằng mạch nước này.
Người Chiết Giang có cảm tình sâu sắc với chè Long Tỉnh, Họ thà một ngày nhịn ăn, chứ không thể không uống chè. Dù là ở ven bờ Tây Hồ, khu thương nghiệp sầm uất, hay các trà lâu, quán trà ngoài trời nằm rải rác trên các đường phố, có rất nhiều người Hàng Châu trong khi tiếp khách, họ đều mời khách bằng chè Long Tỉnh. Ông Quang là người Hàng Châu rất có thể nghiệm sâu sắc về mặt này, ông nói:
"Chè Long Tỉnh đã chiếm được tình cảm của con người, nó được truyền từ đời này sang đời khác, mới hình thành loại chè ngon nổi tiếng như ngày nay. Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, chè Long Tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang các nước vùng đông nam Á, được cộng đồng người Hoa ở các nước công nhận, hiện nay nó được coi là lễ vật tặng cho người lãnh đạo các nước sang thăm TQ".
|