Vài nét về Đài phát thanh quốc tế Trung QuốcBan tiếng Việt Nam

Dự Báo Thời Tiết
China Radio International
Thời sự Trung Quốc 
Thời sự Quốc Tế 
  Đời sống kinh tế 
  Đời sống xã hội 
  Hộp thư Ngọc Ánh

Khoa học-Đời sống

Thế giới phụ nữ

Vườn văn hóa

Câu chuyện cuối tuần

Truyện thành ngữ Trung Quốc
(GMT+08:00) 2004-08-09 14:14:59    
Bản làng Đả Đang của bà con dân tộc Pu-y

cri
Ở huyện An Long tỉnh Quý Châu miền tây nam TQ có một bản làng của bà con dân tộc Pu-y, gọi là làng Đả Đang. Tuy chỉ có hơn 200 hộ với hơn một nghìn dân, nhưng phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc cộng thêm phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình của nơi đây đã vẽ lên bức tranh sinh động của một miền quê thơ mộng.

Đến với làng Đả Đang trên con đường trải đá phiến rộng độ một mét, chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp bà con dân tộc Pu-y tốp 5, tốp 3 đang lên nương rẫy. Với những bộ quần áo vải thô chất phác, họ vừa đi vừa cười nói vui vẻ. Trông thấy chúng tôi, những người từ nơi khác đến, họ cất lời chào niềm nở bằng tiếng dân tộc như bạn bè thường gặp chứ không hề có chút xa lạ.

Trong 56 dân tộc ở TQ, người Pu-y nổi tiếng với những bộ quần áo bằng vải thổ cẩm tự dệt. Quần áo của họ thường là màu xanh lam và màu đen, trên có in các loại đồ án xinh đẹp, trông rất chất phác gọn gàng. Các em gái học dệt vải và nhuộm vải ngay từ khi lên 10 tuổi. Người Pu-y đã sáng tạo ra một công nghệ nhuộm vải độc đáo gọi là nhuộm sáp và được lưu truyền cho đến ngày nay. Nhờ công nghệ này họ có thể in những đồ án xinh đẹp như cây cỏ hoa tươi, chim thú cá nước, trăng sao, sông ngòi v.v, trên nền tấm vải trắng, đường nét hoa văn không những sắc xảo sinh động mà còn bền lâu không phai màu. Chúng tôi đến thăm một cơ sở nhuộm ở làng Đả Đang, những phụ nữ Pu-y vừa thoát thoát nhuộm vải vừa ca hát. Họ hát:

"Suối chảy róc rách, tưới mát đồng ruộng;

Chim Én thổ huyết, vì xây tổ ấm;

Ong kia cần cù, là để làm mật;

Em ngồi quay sợi, may áo cho đời;

Hỡi chàng Lơ-xai, vì đâu mà Anh đến làng em?..."

Ra khỏi cơ sở nhuộm, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông trung niên mặc chiếc áo vải đen kiểu di-le, đầu đội khăn xếp vải thô màu xanh thẫm niềm nở đến bắt chuyện. Anh hỏi chúng tôi từ đâu đến, có ấn tượng gì về làng Đả Đang... Thì ra anh tên là Vương Thiên Nghĩa, phát thanh viên của làng. Sáng, trưa, chiều tối hàng ngày, anh đều phải bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để giới thiệu với bà con về những người tốt, việc tốt trong làng qua hệ thống loa phóng thanh. Anh cho chúng tôi biết hệ thống loa phóng thanh của làng đã phát được vài năm. Anh nói:

"Từ năm 1997 đến nay, làng chúng tôi ngày nào cũng phát thanh giới thiệu tình hình để bà con trong làng nắm bắt kịp thời những biến đổi của làng nói riêng và xã hội nói chung".

Anh Vương Thiên Nghĩa nói tuy ở nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng chúng tôi vẫn nắm những thông tin cập nhật. Bà con dân làng ngoài nghe đài, xem ti-vi ra còn có thể nghe một số chương trình phát thanh của làng, chẳng hạn như con nhà ai đã thi đỗ vào đại học, có người đến thăm làng cũng như một số thông tin về làm giàu từ nông nghiệp, v.v chúng tôi đều thông báo một cách kịp thời. Anh nghĩa nói sự có mặt của chúng tôi hôm nay cũng là một tin sốt dẻo, tối nay anh sẽ thông báo cho bà con qua loa phóng thanh của làng.

Chúng tôi thấy nhà của bà con ở đây đều xây bằng đá, từ tường vách cho đến cả mái lợp cũng bằng đá. Những phiến đá không theo một khuôn mẫu nào đã được tận dụng triệt để qua bàn tay khéo léo của bà con. Những ngôi nhà, những bức tường được xây bằng đá xanh nằm ngay ngắn hai bên bờ con suối nhỏ chảy qua giữa làng cùng với hơn 50 cây cổ thụ trải bóng trước nhà, sau ngõ đã tiếp thêm sức sống cho làng Đả Đang mộc mạc nhưng xinh xắn, cổ xưa nhưng không thiếu phần hiện đại.

Dạo bước trên đường làng chúng tôi thường bắt gặp những cảnh tượng: mấy đứa trẻ trần truồng nô đùa dưới dòng suối, các bác nông dân đang men theo bờ ruộng đủng đỉnh dắt trâu về, vài chị phụ nữ với những chiếc gùi nặng trĩu trên vai từ nương rẫy trở về, tất cả những điều này đã vẽ lên bức tranh thủy mặc hết sức sinh động.

Dưới bóng cây cổ thụ đầu làng, các cụ ông, cụ bà an nhàn với cây ba-toong trong tay đang ngồi trò chuyện rôm rả. Trông thấy chúng tôi các cụ mỉm cười, gật đầu chào hỏi. Chúng tôi bấm máy liên tục khiến các cụ phải bật cười, thấy vui và cất cao lời hát sơn ca.Các cụ ông hát rằng:

Núi này thấp hơn núi kia,

Hai núi thoả thuận bắc nhịp cầu chung,

Cầu cao, gió thổi đung đưa,

Cầu thấp, nước chảy còn đâu hỡi cầu.

Các cụ hát rằng:

Lâu ngày em chả tới đây,

Suối trong, nước mát rêu đà lên xanh,

Gạt rêu em uống nước này,

Bao giờ em khát, em qua bên mình.

Cụ Vương đã ngoài 80 tuổi, sau khi hát xong liền phân bua với chúng tôi rằng: Cụ hát không hay, bởi vì chẳng còn chiếc răng nào. Còn cụ bà Vi đã ngoài 70 tuổi thì hát liền một mạch mấy bài, và còn mời chúng tôi đến thăm nhà cụ.

Làng Đả Đang nổi tiếng gần xa là làng trường thọ. Việc này một mặt không thể tách rời với môi trường trong lành của nơi đây, mặt khác cũng liên quan với việc những người ở đây rất say mê tập võ thuật. Trong thực tiễn cuộc sống trường kỳ, người Pu-y đã sáng tạo ra những bài quyền độc đáo, mỗi khi rành rỗi, bất kể ở bên bờ ruộng, dưới gốc đa đầu làng hay trên sân nhà, bạn đều có thấy già, trẻ, gái trai vui chơi giải trí qua những bài quyền. Ông Vương Thiên Hổ - trưởng thôn Đả Đang nói với chúng tôi rằng: kể cả bài quyền này thôn Đả Đang có 3 điều bí ẩn mà tới nay vẫn chưa có đáp án. Ông nói:

"Điều thứ nhất là 56 cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi là có từ bao giờ; điều thứ hai là nhà của bà con ở đây đều xây bằng loại đá hoá thạch, vậy loại đá hoá thạch này có từ bao giờ; và điều thứ ba là bài võ dân tộc được tổ tiên người Pu-y để lại là thuộc trường phái nào ở TQ. Tất cả những điều này đang chờ các chuyên gia nghiên cứu cho đáp án."

Tuy còn nhiều điều bí ẩn nhưng những người dân Pu-y đã sinh sống vài trăm năm tại đây vẫn ung dung với cuộc sống hạnh phúc của mình trong môi trường tươi đẹp sơn thủy hữu tình được thiên nhiên ưu ái.