Đàn đầu ngựa
Đàn đầu ngựa là loại nhạc cụ tiêu biểu của dân tộc Mông Cổ - một dân tộc sống trên lưng ngựa.
Đàn đầu ngựa là một loại nhạc cụ dây, có tên như vậy là do trên đỉnh cần đàn có khắc đầu ngựa. Cấu tạo của loại nhạc cụ này khá đơn giản, chủ yếu gồm một hộp cộng hưởng bằng gỗ hình thang, trên có trang trí hoa văn dân tộc, có 2 dây và một cung đàn làm bằng đuôi ngựa.
Giai điệu của đàn đầu ngựa có đặc điểm trầm lắng, phóng khoáng và mạnh mẽ, người dân tộc Mông Cổ cần cù dũng cảm rất hâm mộ cây đàn này.
Trên thảo nguyên lưu truyền một câu chuyện rất cảm động: chàng trai Pa-tơ cứu sống một con ngựa trắng bị thương nằm bên bờ, đem nó về chăm sóc. Mấy năm sau, con ngựa trắng đã trở thành con tuấn mã khôi ngô, cường tráng và thấu hiểu tính người. Trội hơn tất cả các con ngựa khác trên đồng cỏ. Hay tin, chúa rất thích con ngựa trắng này, liền đến bắt nó đi, nhưng con ngựa trắng không chịu khuất phục. Chúa nổi trận lôi đình, sai người lấy cung bắn chết con ngựa trắng, con ngựa trắng bị kiếm đâm trọng thương nhưng vẫn dũng cảm vượt khỏi vòng vây, phi thẳng đến trước mặt chàng Pa-tơ và chết trong vòng tay chàng. Anh Pa-tơ đau buồn nằm ngủ thiếp đi, mơ thấy con ngựa trắng báo mộng cho anh lấy xương đùi sau và đuôi ngựa làm thành một cây đàn, như vậy nó sẽ mãi mãi được sống bên anh. Theo điều báo mộng trong giấc mơ, anh Pa-tơ lấy xương đùi sau của con ngựa trắng làm thân đàn, khắc đầu con ngựa trắng trên đỉnh cần đàn, rồi lấy đuôi ngưạ làm dây đàn. Từ đó, cây đàn đầu ngưạ đã ra đời.
Kèn hồ lô
Kèn hồ lô là một loại nhạc cụ ống được lưu hành trong các dân tộc Thái, Di, A Xương v.v. ở Vân Nam.
Tiếng kèn hồ lô dịu dàng, mảnh mai, tròn trịa và mộc mạc, đi sâu vào lòng người.
Nhìn bề ngoài, kèn hồ lô giống như quả bầu, trên thực tế nó được làm ra từ quả bầu, nhưng công nghệ khá phức tạp. Phần cộng hưởng của kèn là nửa quả bầu, dùng 3 cây trúc dài ngắn khác nhau cắm ngang hàng vào mặt dưới quả bầu, cây trúc dài ở giữa có khoan 7 lỗ nhỏ. Khi thổi, miệng đặt ở phía đầu nhỏ của quả bầu, tay bấm các lỗ trên cây trúc dài sẽ phát ra những âm thanh khác nhau. Nếu chưa biết thổi, thì có thể thổi không ra tiếng, hay là tiếng rất khó nghe, nhưng khi đã biết thổi, thì có thể phát ra những âm thanh du dương và khiến người ta phải say đắm.
Kèn ba-u
Kèn ba-u là một loại kèn Cla-ri-nét được lưu hành trong các dân tộc Di, Mèo, Ha-ni v.v. ở Vân Nam.
Hình dáng và nguyên lý chế tạo kèn ba-u có phần giống cây sáo, được làm bằng trúc, trên cây trúc có khoan 8 lỗ, điều khác cây sáo là: chỗ thổi có gắn một cái lưỡi gà bằng đồng. Khi diễn tấu, lưỡi gà đồng rung động và phát ra âm thanh. Âm lượng của kèn ba-u hơi nhỏ, âm vực cũng hẹp, song âm sắc rất đẹp, thường dùng đệm cho các điệu mua hay độc tấu. Kèn Ba-u là một nhạc cụ giàu sắc thái dân tộc, thường dùng để diễn tấu các âm điệu trữ tình và mênh mang.
Kèn hồ lô và ba-u đều có thể biểu diễn trong các ngày lễ hội, ví dụ như lễ té nước của dân tộc Thái, lễ bó đuốc của dân tộc Di, lễ mừng gạo mới của dân tộc A-xương v.v. Giai điệu của tiếng kèn dịu dàng, mảnh mai, hết sức du dương, cho nên các chàng trai dân tộc thiểu số thường lấy tiếng kèn để bày tỏ tình yêu với các cô gái.
Khèn
Khèn là loại kèn ô-boa truyền thống của người Mèo và được lưu truyền rộng khắp tại khu vực người Mèo. Theo văn hiến ghi chép, khèn đã có hơn 3000 năm lịch sử. Ngay từ đời nhà Đường, khèn đã được diễn tấu tại cung đình.
Khèn ngày nay có nhiều loại, chia thành khèn lớn, khèn vừa và khèn bé, gồm 3 phần ống, đầu và lưỡi gà. Loại khèn thường dùng 6 cây trúc, bên ngoài ống có lỗ, phía dưới có lưỡi gà bằng đồng cắm vào quả bầu bằng gỗ, mỗi lưỡi gà phát ra một âm thanh. Cứ 2 hoặc 3 ống khèn liên kết thành ống cộng hưởng. Khèn bé ngắn khoảng mười mấy xăng-ti-mét, còn khèn lớn thì dài tới 4 hoặc 5 mét.
Âm sắc của khèn trong sáng mộc mạc, năm nữ đều có thể diễn tấu. Từ xưa đến nay, khi diễn tấu khèn, đều phải phối hợp với múa, vừa thổi vừa múa. Theo phong tục khác nhau của các địa phương, hình thức diễn tấu của khèn cũng có phần khác nhau.
Hình thức diễn tấu của khèn rất đa dạng, trong đó tiêu biểu nhất là "khèn giẫm" được lưu hành tại vùng người Mèo ở miền đông nam tỉnh Quý Châu, có quy mô đồ sộ và là loại khèn rất lớn, thường do một dàn nhạc khèn cùng diễn tấu, vừa thổi vừa múa, quang cảnh nhộn nhịp bề thế; còn nữa là hình thức khèn muá đơn và muá đôi, giai điệu trong sáng; có nơi lưu hành loại khèn bé, trai thổi gái múa, tiết tấu hơi chậm và cũng rất độc đáo.
Ngoài ra, khèn không chỉ là một loại nhạc cụ dân tộc đơn thuần, trong thâm tâm người Mèo khèn còn là một vật thiêng liêng, quý giá, nhà nào cũng không thể thiếu được. Ngày tết, ngày mừng đám cưới hay là ngày xây cất nhà mới, mọi người đều thổi khèn, vừa múa vừa hát, để bày tỏ niềm hân hoan vui sướng của mình. Các bạn trẻ có tình tứ với nhau, cũng mượn khèn để thổ lộ tình yêu.
|