Dân tộc Dao có dân số trên 2 triệu, chủ yếu phân bố tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh Hồ Nam, Vân Nam, Quý Châu và Giang Tây...
Dân tộc Dao có trên 20 chi như Bàn Dao, Trà Sơn Dao, Sơn tử Dao, Ao Dao, Hoa lan Dao, Bạch Khố Dao, Hồng đầu Dao... Sau khi thành lập nước Công hoà nhân dân Trung Hoa, gọi gộp lại là dân tộc Dao.
Ngôn ngữ dân tộc Dao thuộc chi ngữ Dao, nhóm ngữ Dao Mèo hệ ngữ Hán Tạng. Do cùng sinh sống lâu dài với các dân tộc Hán, dân tộc Choang, dân tộc Mèo, dân tộc Dao các địa phương thường biết tiếng Hán, một số còn biết tiếng Choang và tiếng Mèo.
Do sự hạn chế của khu vực sinh sống, phần lớn người dân tộc Dao vẫn giữ được truyền thống văn hoá nguyên thủy săn bắn, đánh cá và trồng trọt, cũng như thổ cẩm, quần áo Dao rực rỡ, truyền thuyết cổ, dân ca Dao hay, điệu muá đẹp, phong tục hôn nhân và tín ngưỡng tôn giáo độc đáo.
Bạch Khố Dao
Bạch Khố Dao là một chi của dân tộc Dao, bởi đàn ông đều mặc quân trắng, nên gọi là "Bạch Khố Dao".
Bạch Khố Dao có khoảng 20 nghìn người, họ sinh sống ở các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh ở Nam Đơn, Hà Trì Quảng Tây và huyện Lệ Ba Quý Châu.
Quần của Bạch Khố Dao may bằng vải trắng, dài đến đầu gối, chân quần viền vải đen, thêu hoa bằng sợi chỉ đỏ, chỗ đầu gối thêu 5 sợi chỉ đỏ dọc, ba sợi chỉ ở giữa dài, hai sợi chỉ ở hai bên ngắn, giống như bàn tay.
Áo của phụ nữ Bạch Khố Dao chia làm hai loại áo mùa đông và áo mùa hè. Kiểu dáng áo muà đông gần giống với áo khoác đàn ông. Áo mùa hè mang dáng dấp nguyên thủy rất độc đáo, gọi là áo treo. Áo treo không có ống tay, đằng trước một mảnh, đằng sau một mảnh, hai bờ vai nối liền bằng miếng vải đen dài 10 cm, dưới nách không cài khuy, để hở hoàn toàn, không mặc áo lót. Áo treo nền màu đen, mảnh sau dùng sợi chỉ ngũ sắc thêu các loại hoạ tiết. Phần lớn hoạ tiết giống như một con dấu vuông, có ngụ ý con dấu của vua Dao mãi mãi trong lòng người dân tộc Dao. Dưới mặc váy gấp, dài đến đầu gối, dùng chỉ thêu từng lớp hoạ tiết trông rất đẹp mắt.
"Leo gác" của Trà Sơn Dao
Do hạn chế về khu vực sinh sống, đồng bào dân tộc Dao sinh sống ở Đại Dao Sơn Quảng Tây, vẫn giữ tập tục hôn nhân truyền thống. Một số nơi thịnh hành phong tục "cướp hôn", một số nơi thịnh hành "ở rể". Nhưng trà Sơn Dao "leo gác" kiếm vợ, lý thú nhất.
Bản làng Trà Sơn Dao thường gần núi gần sông, dân sống tương đối tập trung, ở nhà sàn hai tầng. Khi ánh trăng lung linh bao phủ nhà trên, các cô gái đang ngồi bên nhau thêu hoa và dệt vải. Chàng trai nào muốn tìm người yêu, từ đầu ngõ dùng lời hát bày tỏ tình yêu của mình. Nếu chàng trai này là ý trung nhân của cô gái trên gác, thì cánh cửa gác hai sẽ từ từ mở ra. Thế là chàng trai dũng cảm thông minh bám theo cột trèo lên một cách nhanh nhẹn. Hình thức tìm người yêu này gọi là "leo gác" đầy lý thú.
Cỏ tranh "biết nói"
Ngoài hình thức "Leo gác" đến với tình yêu ra, thanh niên dân tộc Dao còn thích hẹn hò với nhau bằng cỏ tranh. Sau khi phải lòng nhau, thanh niên trai gái người Dao thường hẹn giờ và hẹn địa điểm gặp mặt. Trong lúc đó cỏ tranh trở thành người mai mối quan trọng. Nếu điểm hẹn có hai trái tim kết bằng cỏ tranh, thì có nghĩa là hai bên có tình có ý với nhau, có thể tiếp tục tìm hiểu nhau, yêu nhau thắm thiết hơn. Nếu cỏ tranh kết thành con số 8 thì có nghĩa là hai đầu đều trống không, đối phương từ chối gặp gỡ, thôi đừng đeo đuổi nữa.
Hình thức dùng cỏ tranh thay lời nói này như những phù hiệu ngôn ngữ sinh động, có thể nhìn thấy trên đồng ruộng, ngoài cửa hoặc trong rừng khu vực dân tộc Dao sinh sống. Ví dụ trên đường thấy "cỏ tranh kết chữ thập", có nghĩa là cảnh báo người đi đường rằng phía trước không đi được hoặc rất nguy hiểm. Để ngăn gia súc lên núi ăn hoa màu, người chủ dùng cỏ tranh tết hình nộm cắm ngoài đồng, người chăn trâu bò nhìn thấy hình nộm cỏ tranh thì không chăn thả ở đây nữa. Nhà nào đẻ con, cắm cây Sào trước nhà, ngọn cây treo cành cây hoặc cành trúc, gọi là "dấu hiệu chào đời". Nếu sinh con trai thì ngọn Sào treo cành cây sơn trà, tượng trưng con trai sau này lớn lên sẽ cứng cỏi, hào phóng và dũng cảm như cây sơn trà; nếu sinh con gái thì ngọn sào treo cành trúc vàng, tượng trưng bé gái lớn lên sẽ cao ráo, thuỳ mị, trong trắng như cây trúc vàng.
|