Khu tự trị Uây-ua Tân Cương nằm ở miền tây bắc TQ từ xưa đến nay là một khu vực nhiều dân tộc sinh sống, hiện nay có tới 47 dân tộc gồm dân tộc Hán, dân tộc Uây-ua sinh sống tại đó. Mỗi Dân tộc ở đó đều có truyền thuyết và phong tục tập quán lý thú và đầy sức hấp dẫn.
Ông Khu-ban, chủ cửa hàng nhạc cụ vì hiểu biết và yêu thích âm nhạc, mấy năm trước ông đã mở một cửa hàng bán các loại nhạc cụ ở khu chợ thành phố U-rum-xi, thủ phủ khu tự trị Uây-ua Tân Cương, làm ăn rất khấm khá. Trong cửa hàng của ông, các loại nhạc cụ khá đầy đủ như: Rơ-oa-pu của dân tộc Uây-ua, Đông-pu-la của dân tộc Ca-dắc, đàn đầu ngựa của dân tộc Mông Cổ. Ông Khu-ban nói, dân tộc thiểu số ở Tân Cương có một đặc điểm chung là sành ca múa, hầu như dân tộc nào cũng có nhạc cụ và bài ca điệu muá riêng của mình, dân tộc Uây-ua chẳng hạn, có nhiều loại nhạc cụ.
Nhạc cụ dân tộc Uây-ua phong phú đa dạng, gồm bốn loại là nhạc cụ gẩy, kéo, thổi, gõ. Trong đó có hơn chục loại nhạc cụ chủ yếu Đan-bo, Rơ-oa-pu, Kèn, trống Ta-pu. Trong các hoạt động lễ hội của dân tộc Uây-ua, tiếng Đan-bu êm dịu trong sáng và tiếng trống Ta-pu vui nhộn hoà tấu, nghe rất êm tai.
Ở Tân Cương, dân số dân tộc Uây-ua gần 9 triệu, chiếm gần một nửa tổng dân số Tân Cương. Cô gái dân tộc Uây-ua Tân Cương có đôi mắt lung linh, mũi thẳng, rất sành ca muá. Những người đi qua Tân Cương đều nói, ánh mắt, cử chỉ và nụ cười của các cô gái ở đây rất đáng yêu làm cho người ta mê mệt. Chợ ở thành phố U-rum-xi đậm đà bản sắc dân tộc, trong khi mua sắm các mặt hàng dân tộc, thưởng thức các món ăn đầy phong vị Tân Cương, bạn còn có thể thưởng thức điệu múa cuả cô gái dân tộc Uây-ua. Anh Vương Văn Dao đến từ tỉnh Hà Bắc miền bắc TQ nói,
"Ca muá Tân Cương rất đặc sắc. Nhất là âm nhạc Tân Cương, rất hay, nó có thể lay động đến từng dây thần kinh của anh, cộng với điệu múa của cô gái Tân Cương xinh xắn, thật tuyệt vời."
So với dân tộc Uây-ua sành ca múa, dân tộc thiểu số Ca-dắc với số dân đứng thứ hai Tân Cương, lại đầy chất thi vị. Dân tộc Ca-dắc sinh sống trên thảo nguyên, thường cư trú gần nước, sống cuộc sống vừa canh tác vừa du mục. Có hai thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân tộc Ca-dắc, đó là đàn Đông-pu-la và thơ. Đàn Đông-pu-la làm bằng gỗ, là nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ca-dắc, hầu như nhà nào cũng có. Làm thơ, ngâm thơ, dùng thơ ca ngợi cuộc đời là niềm vui thú lớn nhất của dân tộc Ca-dắc.
Hơ-sa là người dân tộc Ca-dắc. Ông luà đàn cừu trắng ra bãi cỏ, để chúng thủng thẳng gặm cỏ, rồi leo lên đồi, cầm chiếc đàn đông-pu-la anh hằng yêu quý và vừa gẩy vừa cất giọng hát bài ca hát đầy thi vị.
Đại ý lời ca:
Dưới bầu trời xanh chim ưng vỗ cánh,
Người Ca-dắc thích nghe bài hát cát tường vui nhộn,
Nếu không có cuộc sống hạnh phúc,
Làm gì có cảnh vui tươi như thế này,
Chúng ta ca ngợi cuộc sống tốt đẹp,
Mong hạnh phúc mãi mãi bên ta.
Ông Hơ-sa nói, bãi chăn thả nơi ông sinh sống có hơn 30 hộ, mấy năm nay đã có 23 em thi vào đại học. Con trai thứ hai của ông đang du học tại nước cộng hoà Ca-dắc-xtan, ông rất hài lòng với cuộc sống hiện nay.
"Nhà tôi chăn nuôi hơn 100 con cừu, 5 con ngựa, 4 con bò. Hàng ngày tôi cưỡi ngựa, chăn cừu, ca hát, sống rất thoải mái."
Huyện Uy-li-ơ phía nam núi thiên sơn Tân Cương, có bộ lạc La-pu sống bên bờ sông Ta-li-mu. Người La-pu tính cách phóng khoáng, đời sống còn nhiều hơi hướng nguyên thủy. Họ tìm một cây cổ thụ bên hồ, lấy tán cây làm nóc nhà, cắm cành liễu đỏ, lau sậy và cành cây xung quanh vây thành ngôi nhà; ra ngoài không cưỡi ngựa cũng không cưỡi lạc đà, mà lái con thuyền nhỏ, qua lại như con thoi giữa các làng bản trên hồ liền một dải. Tất cả những thứ này, tạo thành khung cảnh cuộc sống huyền bí nguyên sơ.
Cụ Sa-đích 106 tuổi hát bài dân ca La-pu với nội dung:
Anh đi qua Ta-li-mu, con cá quẫy trong nước,
Em ơi, anh chờ em ở nhà, em không tới,
Anh trằn trọc suốt đêm.
Ở đây, những người già như cụ Sa-đích trên trăm tuổi đâu cũng thấy. Kể ra cũng lạ, người La-pu không ăn hoa quả rau xanh, không ăn muối thế mà rất ít bị ốm. Có lẽ môi trường sinh sống đơn giản, tập quán ẩm thực đơn nhất chỉ ăn cá nướng là bí quyết trường thọ của họ?
Phục sức dân tộc đa dạng đa mầu sắc ở Tân Cương cũng là một nét độc đáo và giầu bản sắc dân tộc. Ví dụ như mũ, có mũ hình vuông, mũ hình tròn, có mũ thêu hoa, có mũ gắn ngọc trai hoặc cắm lông, kiểu dáng khác nhau thể hiện quan điểm thẩm mỹ khác nhau của các dân tộc.
|