Vài nét về Đài phát thanh quốc tế Trung QuốcBan tiếng Việt Nam

Dự Báo Thời Tiết
China Radio International
Thời sự Trung Quốc 
Thời sự Quốc Tế 
  Đời sống kinh tế 
  Đời sống xã hội 
  Hộp thư Ngọc Ánh

Khoa học-Đời sống

Thế giới phụ nữ

Vườn văn hóa

Câu chuyện cuối tuần

Truyện thành ngữ Trung Quốc
(GMT+08:00) 2004-05-19 20:28:27    
Di Hòa Viên--công viên rừng Hoàng gia

cri
Dưới nắng sớm chan hòa, chúng tôi đã cùng một tốp du khách đi vào Di Hòa Viên, một công viên rừng Hoàng gia với khí thế hùng vĩ nằm ở phía tây bắc thủ đô Bắc Kinh, chỉ thấy trước mắt là cảnh núi non nguy nga đang lặng lẽ in bóng trên mặt hồ trong xanh, cung điện trang nghiêm nằm gọn trong hàng cây cổ thụ um tùm, thật chẳng khác nào một bức tranh sơn thủy cỡ lớn của TQ.

Di Hòa Viên được xây dựng vào hơn 150 năm trước, do vua Càn Long lúc bấy giờ xây dựng nhân ngày chúc thọ mẹ mình. Về sau đã trở thành nơi nghỉ mát của hoàng thất và nơi đón tiếp đại sứ các nước. Di hòa viên từng hai lần bị bọn thực dân nước ngoài phá hoại nghiêm trọng, Di hòa viên mà chúng ta thấy ngày nay là được xây dựng nên trên đống gạch vụn này.

Di hòa viên là một viên lâm hoàng gia có kiến trúc đồ sộ nhất, bảo tồn được hoàn chỉnh nhất, có giá trị văn hóa cao nhất, kết hợp giữa cảnh quan nhân tạo và phong cảnh thiên nhiên hoàn mỹ nhất còn giữ lại được trên thế giới hiện nay, năm 1998, Di hòa viên được đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới.

Ông Cao Đại Vĩ người phụ trách Di hòa viên giới thiệu rằng:

" Di hòa viên là mẫu mực của viên lâm hoàng gia TQ, nó khác với viên lâm tư nhân ở miền Giang Nam TQ, có nét vượt trội về mặt quy mô đồ sộ và khí thế hùng vĩ. Di hòa viên đã kế thừa về mặt bố cục cơ bản, nội hàm văn hóa và nghệ thuật kiến trúc ưu tú của tất cả các viên lâm hoàng gia trong lịch sử TQ, có thể nói là tập trung nét tinh hoa của các viên lâm cổ điển TQ ".

Di hòa viên phía trước là hồ phía sau là núi, rộng gần 300 ha, chủ yếu gồm hồ Côn Minh và núi Vạn Thọ. Hồ Côn Minh chiếm 3/4 diện tích Di hòa viên, trong khu hồ có khá nhiều thủy tạ, đình đài lầu các xinh xắn. Núi Vạn Thọ đứng sừng sững trên bờ phía bắc hồ Côn Minh, núi không cao lắm, nhưng thảm thực vật rất phong phú, những cung điện và chùa chiền ẩn hiện giữa màu xanh của cây cổ thụ mọc đầy núi.

Những phong cảnh có giá trị tham quan thưởng thức là những kiến trúc cổ truyền thống ở khu Phật hương các, Đông cung môn v v đều được xây theo kiểu cung điện hoàng gia với khí thế huy hoàng và danh thắng cổ tích của đất Giang Nam tinh xảo, xinh xắn.

Phật hương các nằm trên đỉnh núi Vạn Thọ là trung tâm và là vật tiêu biểu của Di hòa viên, đây là nơi hành hương kính phật của các thành viên hoàng thất. Phật hương các có nền xây bằng đá cao hơn 20 mét, là một ngôi lầu các gồm 8 mặt 3 tầng, nóc lợp bằng ngói men màu vàng và màu xanh kiểu kiến trúc của hoàng thất, mái hiên cong vút đã thể hiện được nét oai phong của lối kiến trúc hoàng gia.

Đông cung môn là cửa chính của Di Hòa Viên, quanh đó còn có một số cung điện, gồm khu triều chính, khu cư trú và khu giải trí, chuyên dành cho nhà vua làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi. Những cung điện này hầu như đều xây theo kiểu nhà tứ hợp viện truyền thống của TQ, trước nhà là hồ, phía sau là núi. Trong khuôn viên còn có hòn non bộ bằng đá quý với nhiều hình dạng khác nhau, cùng những con vật tượng trưng cho sự tốt lành được đúc bằng đồng đen, hai bên là cây cối, khiến nơi đây càng thêm phần yên tĩnh và huyền bí.

Trong số những kiến trúc đặc sắc trong Di Hòa Viên này có một ngôi lầu sân khấu tương đối đặc biệt. Đây là nơi các thành viên hoàng thất xem biểu diễn kinh kịch, cũng là một kịch viện cung ̣ đình lớn nhất hiện còn giữ lại được ở TQ hiện nay.

Khi nhìn lên, lầu sân khấu có hình chóp này trông chẳng có gì đặc biệt hơn, nhưng khi nghe người hướng dẫn ở đây giới thiệu mới thật sự cảm thấy nó rất đặc biệt :

"Lầu gồm có ba sân khấu và đều thông với giếng trời. Thời xưa, những diễn viên kinh kịch lấy dây buộc vào người rồi dòng dây thả người từ trên xuống, để diễn cảnh thần tiên giáng trần. Hơn nữa, đáy lầu là khoảng trống, có một giếng nước rất sâu và năm bể chứa nước hình vuông, đã tạo thành một hệ thống cộng hưởng, khiến âm thanh của diễn viên càng thêm trong sáng và rõ ràng".

Tại bờ phía bắc hồ Côn minh có một đường hành lang dài khoảng mấy trăm mét, đây là trạm nghỉ chân của du khách. Khi du ngoạn đã mỏi chân, du khách thường ngồi nghỉ tại đây, thưởng thức nghệ thuật hội họa của TQ. Mép phía trên của đường hành lang này có vẽ tới hàng mười nghìn bức tranh màu, gồm hoa, chim, cảnh vật, cũng có truyện kể nhân vật, muôn màu muôn vẻ, vô cùng sống động.

Là một di sản văn hóa thế giới, Di Hòa Viên hàng ngày đã tiếp đón hơn 20 nghìn du khách trong và ngoài nước. Tại các khu lầu các và trên đường mòn của di hòa viên, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước, họ vừa ngắm cảnh vừa không ngớt lời khen ngợi. Anh Đa-ni-en Gơ-rim người Mỹ nói với chúng tôi rằng:

"Tôi đất thích Di hòa viên, nó rất đáng để mọi người đến xem. Chúng tôi từ xa xôi tới đây ngắm cảnh Di Hoa Viên, bởi vì nó là một di sản văn hóa thế giới nổi tiếng. Cha tôi lại là người ngay từ thửa nhỏ đã say mê phong cảnh và lịch sử của Di Hòa Viên".

Ngoài du khách ra, bên bờ hồ còn thường thấy các cụ già râu tóc bạc phơ, họ hoặc lặng lẽ đi bộ hoặc tập Thái cực quyền. Cụ Vương Chấn Phúc đã ngoài 70 tuổi, cụ sống ở Bắc Kinh đã được hơn 40 năm, cụ vẫn thường đến Di Hòa Viên đi bộ và ngắm cảnh. Cụ nói:

"Di Hòa Viên có vị trí tương đối tốt, cách trung tâm thành phố Bắc Kinh lại không xa , hơn nữa nơi đây khá rộng, có nước và nhiều cây cối, không khí trong sạch, nội hàm văn hóa tương đối phong phú. Cho nên tôi rất thích đến đây".

Trải qua biết bao lần chiến tranh tàn phá, Di Hòa Viên ngày nay vẫn lặng lẽ nằm ở một góc của Bắc Kinh chăm chú ngắm nhìn sự vinh nhục hưng suy của đoạn lịch sử cận đại TQ. Hàng ngày đều có rất nhiều người đến Di Hòa Viên, họ đã thực sự cảm nhận được sự yên tĩnh và tốt lành của Di Hòa Viên ngày nay.