Chữ "Khẩu mật" là chỉ mồm miệng ngọt như mật. Còn chữ "Phúc kiếm" là chỉ bụng dạ đầy dao kiếm.
Ý của câu thành ngữ này chỉ, người bề ngoài miệng nói rất hay, nhưng bên trong thì rất hiểm độc.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Tư trị thông giám- Đường kỷ - Huyền Tông thiên bảo nguyên niên".
Lý Lâm Phổ là Binh bộ thượng thư kiêm Trung thư lang thời Đường Huyền Tông, ông là người có kiến thức uyên bác, rất có tài về mặt thư họa, nhưng ông cũng là người phẩm hạnh rất kém , lòng dạ rất hẹp hòi và đố kỵ. Phàm những người có tài năng và danh vọng quyền quý hơn ông, là ông sẽ trăm phương nghìn kế và không từ mọi thủ đoạn để bôi nhọ, bài xích. Nhưng riêng đối với vua Đường Huyền Tông thì ông lại khúm núm, nịnh hót, hết lòng chiều theo ý của nhà vua. Mặt khác, ông cũng trăm phương nghìn kế lấy lòng quý phi sủng ái và thái giám tâm phúc của nhà vua, khiến họ vui vẻ và ủng hộ mình, củng cố thêm địa vị của mình.
Lý Lâm Phổ trong khi tiếp xúc với mọi người, ông đều luôn luôn tỏ ra rất hòa nhã và đáng mến, lời lẽ rất hay, nhưng trong lòng lại tìm cách hại người. Có một lần, ông giả vờ thành khẩn nói với bạn đồng liêu của mình là Lý Thức Chi rằng: "Hoa Sơn là nơi sản xuất khá nhiều vàng, nếu được khai thác thì nhà nước sẽ nhanh chóng trở nên giàu mạnh, nhưng đáng tiếc là nhà vua còn chưa biết việc này". Lý Thức Chi cho là thật mới đến tâu với vua Huyền Tông nên nhanh chóng khai thác. Vua nghe vậy trong lòng mừng lắm, mới gọi Lý Lâm Phổ đến bàn về việc này, Lý Lâm Phổ tâu rằng: "Thần đã biết về việc này. Nhưng vì Hoa Sơn là nơi phong thủy bảo địa của vua chúa các triều đại, ta làm sao lại có thể tùy tiện khai thác, đây có thể là một dụng ý xấu."
Vua Đường Huyền Tông lại lần nữa bị Lý Lâm Phổ bưng bít, còn cho ông la bậc trung thần và dần dần xa lánh Lý Thức Chi.
Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ này để chỉ người ngoài miệng thì nói rất hay, nhưng trong bụng lại rất hiểm độc.
|