Theo tin Đài chúng tôi, mặc dù tổng thống Mỹ và trợ lý cao cấp của ông gần đây ra sức biện bạch cho việc quân Mỹ ̣đóng tại I-rắc ngược đãi tù binh I-rắc, rằng đó chỉ là hành vi của một số nhỏ binh sĩ Mỹ, không đại diện cho cả nước Mỹ và giá trị mà nước Mỹ thờ phụng, công khai xin lỗi người I-rắc, thậm chí tỏ lòng sẵn sàng bồi thường. Nhưng tất cả những cái đó không thể nào làm dịu sự căm phẫn của I-rắc và cả thế giới A-rập. Mỹ đang vấp phải cơn khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng tại thế giới A-rập.
Sự tín nhiệm và hình ảnh của Mỹ tại thế giới A-rập vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng do Mỹ bênh vực I-xra-en, phát động chiến tranh I-rắc và lấy cớ chống khủng bố chèn ép cộng đồng Mu-xlin. Việc liên quân Mỹ Anh ngược đãi tù binh được đưa ra ánh sáng như đổ thêm dầu vào lửa, thế giới A-rập càng sôi sục căm thù. Tại các đường phố ở các thành phố lớn nhỏ I-rắc, các phe phái hồi giáo đổ ra đường biểu tình phản đối. Dân chúng I-rắc cho rằng một vài lời xin lỗi của các quan chức cao cấp Mỹ cũng như sự bồi thường không thể vãn hồi danh dự và nhân cách đã bị tước đoạt của người I-rắc. Quốc hội Ai Cập và Quốc hội Cô-oét ngày 8 lần lượt ra tuyên bố kịch liệt lên án hành động dã man của quân đội Mỹ. Một tờ báo lớn của A-rập Xê-út đòi ông Ram-xphen, người chịu trách nhiệm về vụ ngược đãi tù binh từ chức.
Các nhà phân tích cho rằng, sự kiện ngược đãi tù binh sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách Trung Đông của Mỹ cũng như toàn bộ tình hình Trung Đông.
Thứ nhất, tính chất hợp pháp và tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh I-rắc càng bị nghi ngờ. Do chính quyền Bush mở cuộc chiến tranh I-rắc trong bối cảnh chưa được sự đồng ý của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và chưa tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt, bản thân cuộc chiến tranh I-rắc đã bị dư luận rộng rãi coi là thiếu tính hợp pháp, việc ngược đãi tù binh làm cho cuộc chiến tranh này mất đi cơ sở chính nghĩa. Ông Tơ-ki, Bộ trưởng nhân quyền chính phủ lâm thời I-rắc vừa xin từ chức nói, ông chưa bao giờ coi quân Mỹ là kẻ giải phóng như họ vẫn rêu rao, ngược lại chúng là kẻ chiếm đóng chính cống. Cái mà quân Mỹ coi trọng không phải dân chủ và nhân quyền, mà là lợi ích chiếm đóng của bản thân họ.
Thứ hai, tình hình mất ổn định ở I-rắc nghiêm trọng thêm, chiến lược I-rắc mà nước Mỹ đang tiến hành đứng trước nguy cơ thất bại. Hành động ngược đãi tù binh bị dư luận trong và ngoài nước I-rắc lên án mạnh mẽ, tinh thần chống Mỹ trong lãnh thổ I-rắc một lần nữa dâng cao, dẫn đến các hoạt động tấn công quân Mỹ ngày càng dồn dập.
Thứ ba, vụ ngược đãi tù binh khiến cho thế lực cấp tiến Trung Đông có được cơ sở tư tưởng và dư luận xã hội để phát triển, đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức khủng bố và cực đoan như An-kê-đa chiêu mộ thêm người và mở rộng tổ chức.
Thứ tư, ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện "kế hoạch dân chủ đại Trung Đông" và chính sách Trung Đông khác của Mỹ. Mỹ vẫn tự xưng là "vệ sĩ nhân quyền", "ngọn đèn dân chủ". Mỹ rêu rao Mỹ tiến hành chiến tranh I-rắc là nhằm giải phóng nhân dân I-rắc ra khỏi ách chuyên chế của Sa-đam Hút-Xen, thực hiện dân chủ ở I-rắc, từ đó mở rộng ra cả vùng Trung Đông. Những vụ ngược đãi tù binh đã trở thành vết nhơ không bao giờ phai mờ trong chính sách Trung Đông của Mỹ, đẩy Mỹ vào thế bí và gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách Trung Đông.
|