Kể từ thế vận hội Lốt An-giơ-lét năm 1984 đến nay, các vận động viên TQ đã để lại trang viết vẻ vang tại thế vận hội với thi đấu xuất sắc của mình. Cũng như đội bóng rổ Mỹ gồm các ngôi sao NBA đánh đâu được đấy tại thế vận hội, được mọi người gọi là "đội giấc mơ", TQ cũng có nhiều "đội giấc mơ" của mình, như: đội bóng bàn TQ thực lực hùng hậu được gọi là "đội giấc mơ" của làng bóng bàn, đội nhảy cầu TQ cũng từng được gọi là "đội giấc mơ" ...kỳ thực, đội cử tạ TQ, nhất là năm 2000 cử tạ nữ trở thành môn thi đấu chính thức tại thế vận hội, thì TQ có một "đội giấc mơ" xứng với tên thực, họ hầu như đoạt tất cả huy chương vàng mà mình tham gia thi đấu trong mấy năm thi đấu quốc tế.
Do phong trào cử tạ nữ TQ triển khai khá sớm so với các nước khác, bởi vậy, cử tạ nữ TQ luôn ở vị trí dẫn đầu trên thế giới. Tại Xít-ni 4 năm trước, địa vị này đã càng được chứng tỏ bằng huy chương vàng thế vận hội: các vận động viên TQ đã đoạt toàn bộ huy chương vàng trong trong 4 hạng cân tham gia thi đấu, họ là: Dương Hà ở hạng 53 ki-lô-gam, Trần Hiểu Mẫn ở hạng 63 ki-lô-gam, Lâm Vĩ Ninh ở hạng 69 ki-lô-gam và Đinh Mỹ Viện ở hạng trên 75 ki-lô-gam. Nếu Liên đoàn cử tạ quốc tế không quy định mỗi liên đoàn chỉ được tham gia thi đấu 4 trong 7 hạng cân ở thế vận hội, thì cử tạ nữ TQ còn có thể đoạt nhiều huy chương vàng hơn. Hiện nay, ngôi vị thứ 6 trở lên ở các hạng cân của cử tạ nữ hầu như đều là các vận động viên TQ. Thực lực lớn mạnh của cử tạ nữ TQ hoàn toàn có thể sánh với "đội giấc mơ" của Mỹ trong bóng rổ.
Song, nhìn về thế vận hội A-ten sắp tới, con đường đoạt huy chương vàng của cử tạ nữ TQ cũng không phải thuận buồm xuôi gió. Chủ tịch Liên đoàn cử tạ TQ Mã Văn Quảng nói, mục tiêu của đội cử tạ nữ TQ tại A-ten là bảo đảm 3 huy chương vàng, phấn đấu đoạt 4 huy chương vàng. Mục tiêu này hiển nhiên không thể so với việc bao trọn 4 huy chương vàng vào 4 năm trước, hơn nữa việc đoạt huy chương vàng cũng khó khăn hơn trước, ông Mã Văn Quảng nói:
"TQ muốn đoạt nhiều huy chương vàng ở môn cử tạ, điều này chúng tôi không có gì phải nghi ngờ. Nhưng trước khi thi đấu, thì không thể nói là đã cầm chắc tấm huy chương vàng trong tay. Thi đấu ở thế vận hội luôn có những bất ngờ, mỗi hạng cân đều sẽ có một phen thi đấu quyết liệt. Hiện nay, TQ còn chiếm ưu thế, nhưng không có ưu thế trăm phần trăm đoạt huy chương vàng, thắng cũng phải thi đấu chật vật. Tỉ lệ thành công phải cao, trình độ kỹ thuật phải cao, trạng thái thi đấu phải tốt, chỉ huy phải thích đáng, 4 điều này thiếu một cũng không được."
Nguyên nhân khiến ưu thế cử tạ nữ TQ nhỏ đi, không phải đội TQ thụt lùi, mà là trình độ cử tạ nữ thế giới nâng cao nhanh chóng. Tại nhiều hạng cân, các nước Châu Âu và Châu Á đều đã xuất hiện các vận động có thể ganh đua với vận động viên TQ. Ví như Xka-kun của U-crai-na, Bat-si-u-ka của Bun-ga-ri cùng vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc, trở thành đối thủ tương xứng của vận động viên TQ ở một số hạng cân. Tại giải vô địch thế giới năm 2003, họ đã đoạt huy chương vàng hạng cân 63 ki-lô-gam từ trong sự độc quyền của vận động viên TQ, điều này đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng đối với đội TQ vô địch thiên hạ.
Bởi vậy, đội cử tạ nữ TQ muốn giữ địa vị ưu thế trên thế giới, thì cần phải khiêm tốn cẩn trọng, cần phải học tập các nước khác. Ông Đổng Sinh Huy, người phụ trách môn cử tạ Tổng cục thể dục thể thao nhà nước TQ nói:
"Phương pháp và biện pháp tập luyện, nước ngoài phát triển rất tốt. Cử tạ phát triển sớm nhất tại Hy Lạp, tại Châu Âu, có kỹ thuật rất tốt về cử tạ nam, có rất nhiều chỗ có thể học tập. Cộng thêm đặc điểm của TQ, thì có thể hình thành phương pháp tốt. Chúng ta không những phải cử người đi học, còn phải mời người đến giảng dạy. Như vậy mới không bị trào lưu này đào thải. Một mặt tăng cường giao lưu quốc tế, mời vận động viên nước ngoài đến tham gia thi đấu, vừa có thể kết bạn, lại có thể xúc tiến sự giao lưu văn hoá, đóng vai trò quảng bá. Chúng ta cũng có thể học được kỹ thuật và phương pháp. Ngoài ra, là mời quan chức, chuyên gia đến giảng bài. không câu nệ hình thức nào, chúng ta có thể áp dụng nhiều phương pháp tốt."
Ông Đổng Sinh Huy cho phóng viên biết, dưạ vào phẩm chất nữ giới TQ chịu đựng được gian khổ bẩm sinh, cố nhiên có thể khiến cử tạ nữ TQ tiếp tục huy hoàng, nhưng xu thế phát triển hiện nay là kỹ thuật của nữ nam giới hoá, bởi vậy, phải học hỏi những nước có thực lực cử tạ nam lớn mạnh, ví dụ như Nga, Bun-ga-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, Ru-ma-ni. Ông nói, những nước có truyền thống cử tạ sâu đậm này đã quyết định ưu thế kỹ thuật của họ. Ngoài ra, vận động viên TQ còn có thể học tập lòng tự tin mạnh mẽ của họ trong thi đấu.
Chính là vì khéo học tập sở trường của người khác, cử tạ nữ TQ mới chiếm điạ vị dẫn đầu thế giới trong thời gian gần 20 năm, xuất hiện nhiều vân động viên xuất sắc. Trong bốn người đoạt huy chương vàng ở thế vận hội lần trước, chỉ có Đinh Mỹ Viện có thể tham gia thế vận hội lần này, các hạng cân khác sẽ chắc chắn cử vận động viên trẻ tham dự. Vô địch thế giới hạng 48 ki-lô-gam Vương Minh Quyên là một trong những vận động viên trẻ nổi bật nhất xuất hiện trong hai năm gần đây. Nữ vận động viên 18 tuổi này đã đoạt 3 huy chương vàng tại giải vô địch thế giới năm 2002, đồng thời phá 3 kỷ lục thế giới ở hạng cân này, được coi là người có nhiều khả năng đoạt huy chương vàng nhất tại thế vận hội tới. Tuy chị bất ngờ bị thương ở đùi vào cuối năm 2003, nhưng chưa bao giờ chị để mất lòng tin. Tại giải vô địch TQ tổ chức cách đây ít lâu, Vương Minh Quyền đã trở lại thi đấu. Chị nói:
"Nếu người khác bị thương nghiêm trọng như vậy, tất sẽ có do dự, không dám thi đấu cử giật, tôi không như vậy, tôi rất tin vào mình. Hiện nay chấn thương ở đùi hầu như đã khỏi hẳn, khôi phục trước thế vận hội không thành vấn đề."
Được biết, ngoài Vương Minh Quyên ra, đội TQ có thể cử Lưu Xuân Hồng ở hạng 69 ki-lô-gam, Tôn Thái Diễm ở hạng 58 ki-lô-gam, Đinh Mỹ Viện ở hạng trên 75 ki-lô-gam đi tham gia thi đấu tại thế vận hội A-ten.
Mặc dù hiện nay còn có nhiều khó khăn, nhưng như ông Mã Văn Quảng đã nói, đội cử tạ TQ nhất định sẽ cử vận động viên mạnh nhất, tham gia thi đấu ở bốn môn, có lòng tin đoạt thành tích tốt nhất.
|