Bà Nan Sun Chi người mảnh dẻ, nước da trắng trẻo, trang phục tao nhã, trông hiền dịu như một bà nội trợ, í́t ai có thể tưởng tượng bà là một giám đốc xí nghiệp cỡ lớn có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Mới chỉ 5 năm, bà đã đưa một doanh nghiệp nhà nước đang đứng bên bờ vực phá sản trở thành một doanh nghiệp cổ phần hiện đại với tài sản hơn 3 tỷ nhân dân tệ và có cổ phiếu bán trên thị trường chứng khoán. Trong tiết mục Đại gia đình các dân tộc Trung Hoa hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn sự tích của nhà doanh nghiệp nữ dân tộc Triều Tiên này.
Con sông Đồ Môn chảy qua tỉnh Cát Lâm đông bắc Trung Quốc, hai bờ cây cối xanh tươi, phong cảnh xinh đẹp. Bà Nan Sun Chi từ nhỏ lớn lên trên mảnh đất này. Năm 1979, bà 20 tuổi, tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật địa phương, vào làm việc tại một nhà máy lớn nhất nơi chôn rau cắt rốn, nhà máy giấy Thạch Nghiễn. .
Là nhà máy đầu tiên của nước Trung Hoa mới, nhà máy từng vang bóng một thời. Nó không những có trang thiết bị và kỹ thuật sản xuất giấy tiên tiến nhất Trung Quốc, chuyên cung cấp giấy in báo cho mấy tờ báo lớn của đất nước, mà còn đào tạo hàng loạt nhân tài cho các nhà máy giấy phát triển sau này trong cả nước. Được làm việc ở một nhà máy có đầy đủ điều kiện như vậy, nên bước trưởng thành của Bà Nan Sun Chi có thể nói là hết sức thuận lợi. Bà nói:
"Làm việc ở phân xưởng, tôi rất chăm chỉ và hăng hái tham gia mọi sinh hoạt của nhà máy và từng bước trưởng thành: công nhân, bí thư Đoàn, chủ tịch công đoàn, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị."
Thế nhưng, tình hình tốt đẹp chả được lâu. Giống như phần lớn nhà máy quốc doanh ở Trung Quốc hồi đó, do nhà máy qúa nhiều gánh nặng, các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt nhảy vào thị trường Trung Quốc tranh giành thị phần, nhà máy giấy mà bà Nan Sun Chi làm việc gặp phải những khó khăn chưa từng thấy. Chính vào thời điểm gian nan ấy, bà được đưa lên làm quản lý. Nhớ lại tình hình hồi đó, bà tâm sự:
"Các nhà máy giấy lúc đó, cái thì phá sản, cái thì sản xuất cầm chừng, đời sống công nhân viên chức hết sức khó khăn. Tôi rất yêu nhà máy, bởi bố tôi cũng làm việc ở đây. Nhiều lúc nghĩ, phải vực nhà máy dậy, phải phát triển sản xuất mới không phụ lòng các bậc cha chú trong nhà máy."
1 2
|