Ngày 28 , một quan chức I-xra-en cho biết , tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Bra-đây sẽ sang thăm I-xra-en vào tháng 7 năm nay . Đây là lần đầu tiên ông Bra-đây sang thăm I-xra-en trong 6 năm qua .
Tin này đã một lần nữa khiến vấn đề hạt nhân I-xra-en vốn hết sức nhạy cảm lại làm cho người ta chú ý .
Chương trình phát triển haṭ nhân của I-xra-en là do vị thủ tướng đầu tiên Ben Gu-ri-ôn nêu ra đầu thập niên 50 thế kỷ 20 . Sau đó , I-xra-en đã xây dựng một căn cứ hạt nhân bí mật tại Đi-mô-na ở miền Nam I-xra-en , để tiến hành việc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân . Năm 1986 , ông Va-nu-nu , một cán bộ kỹ thuật làm việc tại Đi-mô-na đã công bố những tư liệu và tranh ảnh nội bộ của căn cứ hạt nhân này với " Thời báo chủ nhật Anh " , khiến bên ngoài xác nhận I-xra-en có vũ khí hạt nhân . Song cho đến nay , chính phủ I-xra-en luôn luôn mập mờ trên vấn đề hạt nhân , không thừa nhận mà cũng không phủ nhận họ có vũ khí giết người hàng loạt .
I-xra-en biết rất rõ sức mạnh răn đe của vũ khí hạt nhân , đây là nguyên nhân chủ yếu mà I-xra-en không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân . Trên vấn đề này , bất luận là cánh tả hay là cánh hữu I-xra-en đều có nhận xét giống nhau . Chính ông Pê-rét , nhà chính trị thâm niên , thủ lĩnh của " phái chim bồ câu " I-xra-en là người tích cực đưa ra sáng kiến về chương trình phát triển hạt nhân I-xra-en , được gọi là " người cha vũ khí hạt nhân " . Mặc dù I-xra-en là một trong 16 nước sáng lập cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế , song cho đến nay họ vẫn từ chối ký " Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân " . Ngoài ra , I-xra-en cũng giữ thái độ phản ứng lạnh nhạt trước đề nghị xây dựng " khu vực không có hạt nhân tại Trung Đông " . Vì vậy , ông Bra-đây từng chỉ rõ , răn đe hạt nhân và vũ khí hạt nhân đã bám sâu trong lòng nhân dân I-xra-en , I-xra-en không có khả năng thay đổi lập trường trên vấn đề hạt nhân .
Ngoài ra , việc Mỹ áp dụng hai tiêu chuẩn trên vấn đề hạt nhân , trong khi ra sức chỉ trích I-ran và Triều Tiên trên vấn đề hạt nhân , lại không đụng chạm tới vũ khí hạt nhân của I-xra-en và dung túng I-xra-en về khách quan . Trung tuần tháng này , tổng thống Mỹ Bu-sơ lại cam kết với thủ tướng I-xra-en Sa-rôn rằng , Mỹ sẽ tiếp tục kiên trì " sự cam kết kiên định " về vấn đề an ninh của I-xra-en , bao gồm có đường biên giới an ninh và có thể phòng ngự , duy trì và tăng cường khả năng phòng ngự của I-xra-en cũng như chống lại sự đe dọa đến từ bên ngoài . Rút cuộc , những lời nói này của ông Bu-sơ lại được các nhà chính trị I-xra-en giải thích rằng : Mỹ đã thừa nhận thầm việc I-xra-en có vũ khí hạt nhân .
Xét vì hiện trạng như vậy , các nước A-rập nhiều lần nhấn mạnh , mối đe dọa vũ khí hạt nhân lớn nhất khu vực Trung Đông hiện nay là đến từ I-xra-en . Họ còn kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép cho I-xra-en , thúc giục họ ký " Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân " , đồng thời đặt công trình hạt nhân của họ dưới sự giám sát của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế .
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế luôn luôn hết sức quan tâm tới vấn đề vũ khí hạt nhân của I-xra-en .Khi sang thăm Ai-cập đầu năm nay , ông Bra-đây nói , I-xra-en tiếp tục nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân trong tình hình nhiều nước đều đang cố gắng tuân thủ hiệp ước " không phổ biến vũ khí hạt nhân ."
Song , I-xra-en lại ra sức làm nhạt chuyến thăm sắp tới của ông Bra-đây . Người phát ngôn của cơ quan năng lượng nguyên tử I-xra-en nói , chuyến thăm lần này của ông Bra-đây là chuyến thăm thường lệ , có tin cho biết , I-xra-en sẽ không cho phép ông đi thăm căn cứ hạt nhân Đi-mô-na nằm giữa vùng sa mạc miền Nam I-xra-en . Xem chừng , chuyến thăm lần này của ông Bra-đây liệu có thể đóng vai trò như thế nào trong việc đôn đốc I-xr-en hay không , đó là điều chưa thể lạc quan .
|