Vài nét về Đài phát thanh quốc tế Trung QuốcBan tiếng Việt Nam

Dự Báo Thời Tiết
China Radio International
Thời sự Trung Quốc 
Thời sự Quốc Tế 
  Đời sống kinh tế 
  Đời sống xã hội 
  Hộp thư Ngọc Ánh

Khoa học-Đời sống

Thế giới phụ nữ

Vườn văn hóa

Câu chuyện cuối tuần

Truyện thành ngữ Trung Quốc
(GMT+08:00) 2004-04-29 10:49:16    
Trang phục và phục sức đẹp của cô gái dân tộc Thái

cri
Vào đầu mùa hè, tại tỉnh Vân Nam, một tỉnh ở miền tây nam Trung Quốc, cây cối sum suê xanh tươi, trăm hoa khoe sắc. Trong những ngày này, dưới cái nắng dịu ngọt, bà con dân tộc Thái ngàn đời sinh sống ở đây thường tổ chức ngày lễ lớn nhất trong năm – tết té nước. Trong những ngày ấy, bà con dân tộc Thái, già trẻ gái trai, ai ai cũng bưng một chậu nước rắc đầy cánh hoa, gặp ai là té, vừa té vừa cầu phúc cho họ. Tiếng khuấy nước, tiếng cười, tiếng hát đan xen vào nhau, vang vọng trên bầu trời bản làng chìm ngập trong niềm hân hoan. Lúc này, các cô gái dân tộc Thái xinh đẹp thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là phục sức đẹp đẽ của họ trở thành một điểm sáng của ngày tết.

Bà con dân tộc Thái rất có cảm tình với con chim Công. Theo truyền thuyết, có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú và dũng cảm, được lòng nhiều cô gái, cô nào cũng muốn lấy chàng làm chồng. Một hôm, một người thợ săn nói với chàng, ngày mai sẽ có 7 cô gái chim Công đến hồ bơi, trong các cô, cô gái trẻ tuổi nhất xinh xắn nhất. Khi các cô bơi trong hồ, nếu giấu áo chim công của một cô cởi để trên bờ thì cô ấy sẽ lấy chàng làm chồng. Hoàng tử nghe nói thế thấy lạ quá. Hôm sau chàng ra bên hồ, quả thật nhìn thấy 7 cô gái đẹp đang bơi trong hồ, ngay lập tức, chàng đem lòng yêu cô gái đẹp nhất, bèn lén lút giấu áo chim công của cô đi. Các cô gái bơi xong mặc áo biến thành chim công bay đi, riêng cô gái trẻ nhất không tìm thấy áo của mình. Lúc này, hoàng tử ôm áo chim công của cô đi ra. Sau đó, cô gái xinh đẹp này trở thành vợ hoàng tử, họ chung sống hạnh phúc với nhau.

Câu chuyện này lưu truyền trong bà con dân tộc Thái từ đời này sang đời khác, cho đến ngày nay, hình bóng của chim công còn in dấu trên trang phục của các cô gái dân tộc Thái, trong đó trang phục của cô gái dân tộc Thái nước có tính chất tiêu biểu nhất.

Thái nước là một chi của dân tộc Thái, vì sinh sống bên nước mà có tên như vậy. Cô gái Thái nước thường đi chân đất, thích mặc váy ống dài. Thứ váy này may bằng cách nối hai đầu tấm vải hoa rực rỡ màu sắc lại với nhau, váy có nếp gấp, trông vừa đẹp vừa tiện cho khi làm lụng. Chiếc váy ống nhiều mầu sắc đi với chiếc áo mộc bó sát người, làm cho những cô gái Thái có thân hình thon thả, thướt tha đi trong cánh rừng như những con chim công, bước chân uyển chuyển, xinh xắn và quyến rũ.

Bà con dân tộc Thái ví cô gái đẹp là con chim công vàng. Cô Vương Mẫn là một con chim công vàng. Cô nói, mặc váy ống cầu kỳ lắm.

Chúng em mặc hay cởi váy ống đều từ trên xuống dưới, tuyệt đối không được từ dưới lên. Lý thú nhất là khi chúng em đi tắm, chúng em đi từ trên bờ xuống sông, vừa đi chầm chậm vừa cuộn váy ống lên, khi cả người ngâm dưới nước thì váy vừa vặn cởi hết. Lúc này, chúng em bèn quấn váy lên đầu. Khi nào tắm xong, chúng em lại làm động tác ngược lại, vừa đi lên bờ sông vừa mặc xong váy ống.

Một chi lớn khác của dân tộc Thái là Thái cạn sinh sống trên rừng núi. So với phục sức tinh xảo mỏng mảnh của Thái nước, phục sức của Thái cạn sặc sỡ hoa mỹ. Trong Thái cạn, Thái hoa yêu ăn mặc đẹp hơn cả. Trang phục của Thái hoa yêu chủ yếu là màu trắng và màu đen, trên người mặc chiếc áo siêu ngắn cộc tay viền cổ bó sát người, trên áo có nhiều hoạ tiết thêu và nhiều trang sức. Giữa lưng thắt một giải màu, trên giải đính nhiều bi bạc, dưới giải gắn tua đỏ tươi, cuối giải treo quả chuông. Thân dưới mặc váy ống ba lớp, lớp trong dài nhất tới mắt cá chân, lớp giữa tới đầu gối, lớp ngoài ngắn nhất chỉ đến mông. Chân ống váy viền tấm lụa sặc sỡ, mặc lên người bên trái ngắn hơn bên phải, trông rất ngộ và đáng yêu.

Cô gái Thái hoa yêu thích dùng các loại đồ trang sức bằng bạc như hoa tai bạc, vòng tay bạc, vòng cổ bạc. Các cô còn thích đánh những hạt bi bạc đính lên áo thành những đồ án khác nhau, như hình tam giác, họa tiết hoa văn.

Giáo sư Dương Nguyên chuyên nghiên cứu phục sức dân tộc thiểu số, bà nói, ở Vân Nam, nhiều bà con dân tộc thiểu số thích dùng bi bạc làm đồ trang sức. Bà nói:

"Về thực chất, những đồ trang sức bằng bạc đó là dấu ấn sùng bái trăng và sao của tổ tiên dân tộc Thái, nghĩa là sùng bái sinh đẻ. Người dân tộc Thái tin rằng thần mặt trăng trông coi việc sinh nở, vô vàn vì sao trên bầu trời tượng trưng con cháu đầy đàn. Dùng trang sức kiểu này nhằm cầu mong sinh được nhiều con, và trong gia đình con cháu đông đúc."

Lớn lên, cô gái dân tộc Thái hoa yêu phải tham gia thi sắc đẹp. Đây là một hình thức gặp gỡ của thanh niên nam nữ dân tộc Thái. Các cô đeo chiếc sọt xinh xinh, diện bộ quần áo đẹp nhất của mình, do một người phụ nữ trong bản dẫn đầu đi thong thả trên phố. Các chàng trai đứng hai bên đường, tay cầm sẵn món quà chuẩn bị trước, thích cô nào thì ném món quà của mình vào sọt cô ấy. Nếu cô gái ưng ý chàng trai này thi chấp nhận món quà, nếu không thì đem trả lại một cách lễ phép rồi đi tiếp. Cô gái dân tộc Thái hoa yêu ăn mặc lộng lẫy, dáng người thon thả, yểu điệu, theo nhịp bước đi uyển chuyển, cái chuông treo trên lưng phát ra tiếng kêu ròn tan, thật là thú vị.

Trong cuộc thi sắc đẹp, bạn có thể nhìn thấy cô gái Thái xinh xắn nhất và trang phục cô gái Thái đẹp nhất. Tất nhiên, sau cuộc thi, không ít cô gái chàng trai Thái đã kết duyên trăm năm.

Sau khi chứng kiến trang phục và phục sức cô gái Thái, một nhà lữ hành thán phục rằng, những bộ cánh ấy đẹp qúa, đẹp như những bài thơ mặc trên người ấy, đàn bà sinh ra là để mặc những bộ cánh đẹp như thế.