Chữ "Khắc" ở đây có nghĩa là kiềm chế, còn chữ "Phụng" là thừa hành. Ý của câu thành ngữ này có nghĩa là nén việc tư, lấy việc công làm trọng, dùng để ví về người nghiêm khắc với bản thân, một lòng vì việc công.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Hậu Hán thư – Truyện Tế Tuân".
Tế Tuân từ nhỏ rất ham học, có học vấn và thông hiểu lý lẽ. Tuy ông xuất thân con nhà quyền thế, nhưng ông sống cuộc đời hết sức giản dị. Về sau, ông theo Lưu Tú làm quan chấp pháp trung quân, phụ trách pháp lệnh trong quân đội. Trong thời gian nhậm chức, ông chấp pháp nghiêm minh, không hề bao che thiên vị ai, nên được mọi người rất quý mến.
Có một lần, một tùy tùng rất tin cậy của Lưu Tú phạm tội, sau khi điều tra rõ sự thật, Tế Tuân đã dựa theo luật phán xử tử hình . Lưu Tú biết được việc này vô cùng bực tức, trách Tế Tuân dám xử phạt người thân cận của mình. Ông đang định hỏi tội Tế Tuân thì có một vị đại thần khuyên rằng: "Ông từng nêu ra quân đội phải có kỷ luật nghiêm minh, chấp pháp công bằng. Nay Tế Tuân làm việc theo pháp luật, thì có sai trái gì mà ông bắt tội ? Chỉ có lời nói đi đôi với việc làm như vậy, thì mới hiệu lệnh được ba quân và lãnh đạo được quân đội". Lưu Tú nghe xong cảm thấy rất có lý, nên không những không trị tội, mà còn phong Tế Tuân làm Trinh Lỗ tướng quân - Dĩnh Dương hầu.
Tế Tuân tính tình khiêm tốn, là một vị quan liêm khiết, chính trực và thận trọng trong công việc. Ông thường đem tiền của Lưu Tú ban thưởng cho mình chia cho đám thủ hạ , còn bản thân mình không giữ lại một đồng xu nào. Ông sống cuộc đời giản dị, trong nhà hầu như không có của cải gì. Khi nói về hậu sự của mình, ông đã căn dặn đám thủ hạ phải hết sức tiết kiệm, không được phô trương lãng phí.
Sau khi Tế Tuân mất được nhiều năm, Lưu Tú vẫn rất nhớ tinh thần quên mình vì việc nước của ông.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu "Khắc kỷ phụng công " để ví với người rất nghiêm khắc với bản thân, một lòng vì việc công.
|