Câu thành ngữ này có ý là chỉ người vợ kính yêu chồng, hoặc vợ chồng cùng kính trọng và thương yêu lẫn nhau.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ cuốn "Đông Hán Quan ký - truyện Lương Hồng".
Vào thời Đông Hán hơn 2000 năm trước, có một chàng thư sinh nghèo tên là Lương Hồng. Nhưng về sau do chàng rất có thành tựu về mặt học vấn, nên sau khi về quê rất được người làng kính trọng.
Mấy năm sau, Lương Hồng lấy con gái ông Mạnh ở trong huyện làm vợ. Nhưng hai vợ chồng lấy nhau đã được bảy ngày mà Lương Hồng vẫn không hề nhóm ngó tới vợ. Mạnh tiểu thư mới hỏi chồng, thì Lương Hồng trả lời rằng: "Nàng mặc toàn lụa là gấm vóc và đeo vàng bạc châu báu như vậy, thì làm sao có thể làm việc đồng áng và cùng ta sống cuộc đời ẩn cư được? ".
Mạnh tiểu thư nghe chồng nói vậy, bèn tháo bỏ đồ trang sức và thay mặc bộ đồ bằng vải thô. Lương Hồng thấy vậy thì mừng lắm, mới đặt tên cho nàng là Mạnh Quang. Về sau, hai vợ chồng dọn đến ở trên núi Bá Lăng, sống cuộc đời làm ruộng và dệt vải, lúc nhàn rỗi thì xem sách, viết văn chương hay đàn hát.
Ít lâu sau, hai vợ chồng đã nổi tiếng khắp vùng. Hai người lại đổi họ tên đến sống ở vùng Tề Lỗ. Sau đó, họ lại dọn ra vùng Ngô Trung thuê một căn nhà của phú ông Cao Bá Thông. Lương Hồng hàng ngày đi xay thóc hoặc làm ruộng, còn nàng Mạnh Quang thì ở nhà xe sợi dệt vải.
Mỗi khi Lương Hồng đi làm về , nàng Mạnh Quang đều sắp sẵn mâm cơm cung kính mời chồng. Để bày tỏ lòng tôn kính của mình, nàng không ngước mắt nhìn chồng, mà mỗi lần đều nâng mâm cơm cao ngang mi mắt, còn Lương Hồng thì luôn luôn tỏ ra rất lễ phép đưa hai ta ra đỡ lấy mâm cơm. Cao Bá Thông thấy cảnh vợ chồng họ thương yêu kính trọng nhau như vậy, nên rất tôn trọng họ. Sau khi Lương Hồng mất, nàng Mạnh Quang mới đưa con trai về sống ở quê.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Cử án tề mi" để ví về người vợ kính yêu chồng, hoặc vợ chồng cùng tôn trọng và thương yêu lẫn nhau.
|