Tại TQ, nói đến 12 Con Giáp hay 12 Con Giống, thì hầu như không ai không biết. Là văn hóa phong tục độc đáo của TQ, Con Giáp được lưu truyền từ đời này qua đời khác và đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống con người.
Vậy thì Con Giáp là gì?
12 Con Giáp liên quan đến 12 Địa Chi. Thời cổ, Tổ tiên người Trung Hoa tính giờ, ngày, tháng và năm bằng Thiên Can Địa Chi. Thiên Can gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm và Quý; còn Địa Chi gồm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Thuất và Hợi. Theo thứ tự Thiên Can ứng với Địa Chi, Thiên Can tuần hoàn 6 vòng, Địa Chi tuần hoàn 5 vòng, vừa vặn 60 năm, gọi là một "Giáp". Người cổ dùng 12 con vật ứng với 12 Địa Chi, con chuột là Tí, con trâu là Sửu, con hổ là Dần, con mèo là Mão, con rồng là Thìn, con rắn là Tị, con ngựa là Ngọ, con dê là Mùi, con khỉ là Thân, con gà là Dậu, con chó là Tuất và con lợn là Hợi. Như vậy năm 1994 là năm Giáp Tuất, năm Tuất tức năm chó; năm 1995 là năm Ất Hợi, năm Hợi tức năm lợn; năm 1996 là năm Bính Tí, năm Tí tức năm chuột. Từ đó con người có thể tính ra tuổi của một người. Đây là 12 Con Giáp.
Nói đến 12 Con Giáp, có người sẽ hỏi, động vật có nhiều như vậy tại sao chỉ chọn 12 loại này? Tại sao con chuột nhỏ bé lại được xếp ở hàng đầu?
Tương truyền trong thời hỗn độn, Ngọc Hoàng Đại Đế muốn chọn 12 con vật để canh gác Thiên Cung. Thiên hạ nhiều động vật như vậy, biết chọn thế nào? Thôi thế này nhé, hãy định sẵn thời gian, nếu ai đến trước thì được chọn. Mèo và Chuột hẹn nhau cùng đi. Mèo nói với Chuột rằng: "Canh 5 ngày mai đi ứng tuyển, ta sợ ngủ quá say không tỉnh được, nhờ cậu đến giờ đánh thức mình nhé!" Chuột nhanh nhẹn nhận lời. Nhưng sáng hôm sau, Chuột lại lén lút đi trước.
Trên đường đi, Chuột gặp con Trâu đang mải miết trên đường. Chuột chạy chậm hơn Trâu, nhưng nhanh trí nghĩ ra một kế và nói: "Anh Trâu này, em hát một bài cho anh nghe nhé!" Trân nói: "Còn gì bằng, Chuột hát đi!" Thế nhưng mãi không thấy Chuột hát. Chuột nói: "Tiếng em nhỏ quá, Anh nghe không thấy, để em đứng bên tai Anh hát". Trâu nói: "Hay đấy!" Như vậy, Chuột đứng trên lưng Trâu và hát một mạch tới Thiên Cung. Tới đích, thấy chưa có con vật nào đến, Trâu mừng rỡ nói: "Ta đến trước nhất!" Nhưng Chuột từ lưng Trâu nhảy xuống và đi thêm mấy bước vượt lên phía trước Trâu. Rút cuộc, Chuột đến nhất. Nên Chuột đứng đầu và Trâu xếp thứ nhì trong 12 Con Giáp. Còn chú Mèo ngủ quá giấc, đổ tội cho Chuột và từ đó coi Chuột là kẻ thù không đội trời chung.
Câu chuyện dân gian tương tự như vậy còn rất nhiều. Người xưa có nhiều cách giải thích về vấn đề này.
Song phần lớn là những lời phụ họa của hậu thế. Thực ra, trong không khí sùng bái Tô-me (tức vật tổ) và động vật thời thượng cổ, người xưa chưa có nhận thức tinh tế đối với các con vật được chọn, nhưng hơn 4000 năm trước, tổ tiên chúng ta đã bắt đầu nuôi Lợn, Chó, Trâu, Dê, Gà và Ngựa, sau này gọi là Lục Súc (tức 6 loại gia súc), còn Rồng, Hổ, Rắn v.v. từng là vật tổ của các thị tộc. Các con vật này trở thành đối tượng được chọn làm 12 Con Giống đầu tiên. Trong quá trình hình thành Con Giáp, những con vật này và thứ tự của chúng có sự thay đổi, cho tới thời Đông Hán mới định hình.
Vậy, cội nguồn của 12 Con Giáp có từ lúc nào?
Người xưa chưa để lại cho chúng ta một đáp án rõ ràng về vấn đề này. Người sau đã làm nhiều cuộc khảo chứng qua các tài liệu lịch sử. Hiện nay, tài liệu lịch sử được ghi lại dưới dạng văn tự sớm nhất là Thẻ Tre đời Nhà Tần. Cho nên có thể nói, 12 Con Giáp đã hình thành tối thiểu vào thời Chiến Quốc.
Về nơi xuất xứ của 12 Con Giáp cũng trăm miệng trăm lời.
Trong bài , Ông Quách Mạt Nhược từng suy đoán, 12 Con Giáp bắt nguồn từ Bi-bi-lơn thời cổ và được truyền vào TQ khi Hán Vũ Đế khơi thông Tây Vực. Song việc khai quật Thẻ Tre của đời Nhà Tần đã bác bỏ suy đoán này.
12 Con Giáp của Ấn Độ giống hệt của TQ, chỉ có con Hổ, Ấn Độ là con Sư Tử, nên có người cho rằng, cùng với sự truyền bá đạo Phật, Con Giáp cũng đã từ Ấn Độ truyền vào TQ. Song đạo Phật truyền vào TQ hồi cuối Đời Tây Hán đầu Đời Đông Hán, lúc đó 12 Con Giáp đã được lưu truyền sâu rộng tại TQ.
Một Thuyết cội nguồn 12 Con Giáp đến từ dân tốc Khương Tây thời cổ cho rằng: Vào thời Thượng cổ, con cháu người Vượn Nguyên Mưu di rời đến Cam Túc, Thanh Hải ở miền Tây Bắc, sau được gọi là Khương Nhung. Một dòng họ người Khương đã thành lập Triều đình Nhà Hạ, và biết tính ngày bằng 12 Con Giáp. Người Di cùng với Phục Hy, Viêm Đế, Hoàng Đế, Hạ Vũ v.v., có cùng một tổ tiên với người Khương. Người Di sinh sống tại nơi xưa của người Vượn Nguyên Mưu, người Di đã bảo tồn hoàn hảo văn hóa Con Giáp, cho nên 12 Con Giáp bắt nguồn từ Tây Khương.
Tóm lại, có thể nói tổ tiên dân tộc Trung Hoa đã sáng tạo ra 12 Con Giáp. Trong các đời Nhà Hạ, Nhà Thương, Nhà Chu và Nhà Tần, những dòng họ tiên tiến trong Tây Khương, Đông Di, Nam Man và Bắc Địch đã hội tụ tại Trung Nguyên và hình thành người Hán ngày nay. Cho nên, 12 Con Giáp là sản phẩm của một Cộng đồng thống nhất được hòa thuận giữa các dân tộc Trung Hoa trong thời thượng cổ, và sự hội nhập tập tục sùng bái vật tổ, động vật và thiên văn học nguyên thủy.
12 Con Giáp được lưu truyền sâu rộng tại khu vực người Hán TQ, có nhiều dân tộc thiểu số cũng sử dụng 12 Con Giáp. Song cũng có phần khác với người Hán. Chẳng hạn như Con Giáp của người Khơ-ơ-khơ-chơ có Cá không có Rồng, có Cáo không có Khỉ; Người Vây-ua cũng có Cá không có Rồng; người Mông lấy Hổ làm đầu; người Lê lấy Gà làm đầu; người Di có nơi lấy Hổ làm đầu, có nơi lấy Rồng làm đầu, thậm chí lấy Bọ, Thịt, Người, Phượng Hoàng, Chim sẻ, Tê Tê làm Con Giáp.
TQ là đầu nguồn của 12 Con Giáp, rồi truyền ra các nơi trên thế giới với sức cuốn hút độc đáo của nó. Các nước như Nhật, Triều Tiên, VN. CPC, Thái Lan v,v, thời cổ đã có Con Giáp, tại các khu vực như Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và các nước Đông Nam Á có cư trú nhiều người Hoa lại càng phát triển. Có thể nói, ở đâu có người Hoa sinh sống, ở đó có 12 Con Giáp, và họ lại truyền bá văn hóa này tới vùng quê xa lạ. Có thể nhận thấy sức truyền cảm của văn hóa 12 Con Giáp qua việc phát hành tem. Năm 1950 Nhật phát hành con tem năm Hổ đầu tiên. Tiếp theo Hàn Quốc, Lưu Cầu, VN, Hồng Kông, Đài Loan, Mông Cổ và Sinh-ga-po cũng lần lượt phát hành các con tem con Chó, con Trâu, con Ngựa, con Dê, con Khỉ, con Lợn, con Rồng v.v.. Năm 1980 TQ phát hành tem con Khỉ đầu tiên. Sau đó là Ma Cao, Lào, Triều Tiên, Thái Lan, Phi-líp-pin v.v. phát hành tem con Chuột, con Thỏ (VN là Mèo), con Dê, con Khỉ. Năm 1993 là năm con Gà, Mỹ, U-crai-na, Ca-dắc-xtan, Bun-ta và Bô-phu-thát-xoa-na trên địa phần Nam Phi đã phát hành tem con Gà. Năm 1994 là năm Giáp Tuất tức năm con Chó, đảo Nô-en của Ô-xtrây-li-a và lãnh địa Nam Cực cũng đã phát hành con tem Con Giáp. Giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị sưu tầm của con tem đã tăng thêm sức sống mới cho văn hóa 12 Con Giáp, đồng thời cũng khiến bầu bạn các nước trên thế giới ghi nhận và mến mộ văn hóa cổ kính này của dân tộc Trung Hoa.
|