"Họa long điểm tinh" tức vẽ rồng điểm mắt, có nghĩa là vẽ thân con rồng trước, sau đó mới vẽ hai con ngươi. Câu thành ngữ này thường dùng để ví với việc khi viết văn chương, phải đi sâu và làm sáng tỏ những điều then chốt nhất, khiến nội dung càng thêm phần sống động.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Lịch đại danh họa ký" của Trương Ngạn Viễn triều nhà Đường.
Thời Nam Bắc triều cách đây khoảng 1500 năm, có một người rất có năng khiếu vẽ rồng tên là Trương Tăng Dao. Trình độ vẽ rồng của ông đã đạt tới mức truyền thần.
Tương truyền có một lần, Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trắng ở trên tường của chùa An Lạc ở Kim Lăng. Nhưng điều khiến người ta rất khó hiểu là cả bốn con rồng này đều không có mắt.
Có rất nhiều người đều hỏi Trương Tăng Dao tại sao lại không vẽ mắt.
Trương Tăng Dao trả lời rằng: "Vẽ mắt thì dễ thôi, nhưng đã vẽ thêm mắt thì tôi chỉ lo những con rồng này sẽ phá tường bay vút lên mà thôi".
Mọi người nghe vậy đều không tin, họ khẩn khoản mời Trương Tăng Dao vẽ thêm mắt, để xem rồng có thực sự bay lên hay không. Trước yêu cầu của mọi người, Trương Tăng Dao đành phải cầm bút vẽ mắt cho rồng.
Nhưng Trương Tăng Dao vừa mới vẽ mắt cho hai con rồng thì trời bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, tiếp sau đó bỗng nghe "Ầm" một tiếng cực mạnh, rồi tường nứt ra. Mọi ngường nhìn kỹ, thì thấy hai con rồng trắng trên tường vừa được điểm mắt này đã bay vút lên đang vờn trong đám mây mù, rồi sau đó bay thẳng lên trời. Còn hai con rồng chưa vẽ thêm mắt kia thì vẫn ở nguyên trên tường. Đến lúc này mọi người mới tin là thực.
Đương nhiên đây chỉ là truyền thuyết mà thôi.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng "Họa long điểm tinh" để ví với việc khi viết văn chương, phải đi sâu và làm sáng tỏ những điều then chốt nhất, khiến nội dung càng thêm phần sống động.
|